Tin-bài mới


  • Giới thiệu phim tài liệu “Vị Tiền hô” về thánh Gioan Tẩy giả

    Sáng 8/4/2019, Bộ Truyền thông Tòa Thánh giới thiệu bộ phim tài liệu về cuộc đời của thánh Gioan Tẩy giả mang tên “Vị Tiền hô”, được thực hiện bởi Quỹ thánh Giáo hoàng Gioan XXIII, Phòng Truyền thông và Vatican Media cộng tác với Bộ Truyền thông của Toà Thánh.

    Dự án này, với mục đích phổ biến, tập trung vào một nhân vật Kinh Thánh thường được coi là thứ yếu, nhưng trong thực tế, là “người mở đường” cho đời sống công khai của Chúa Giêsu và đóng vai trò quan trọng trong lịch sử Kitô giáo.

    Thể loại phim tài liệu theo lối song song, điện ảnh và tài liệu.

    Những trình thuật về những khoảnh khắc quan trọng nhất về tiểu sử của thánh Gioan Tẩy giả được dựng thành những cảnh hư cấu để có thể cho khán giả hình dung được những nút thắt quan trọng trong hành trình của ngài: những cuộc viễn du khắc nghiệt trên sa mạc; cuộc gặp gỡ với Đức Kitô tại phép rửa; điệu nhảy mê hoặc của Salômê và sự tử đạo khủng khiếp do Hêrôđê quyết định. Nhân vật chính là Francesco Castiglione dẫn chuyện. Có 17 diễn viên, trong số đó có Luca Capuano, Antonella Fattori, Edoardo Siravo và Valeria Zazzaretta. Khoảng năm mươi diễn viên quần chúng trong phim tài liệu đóng hoàn toàn trong khu vực Vùng Marche nhờ sự hỗ trợ của Quỹ Ủy ban Văn hóa-Phim Marche để dựng các địa điểm.

    Theo cách tiếp cận tài liệu, việc đào sâu về các khía cạnh khác nhau của bản chất Kinh Thánh và lịch sử thì được dùng lời chứng của các chuyên gia có thẩm quyền như Đức hồng y Gianfranco Ravasi, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa; Đức cha Nazzareno Marconi, giám mục Macerata và là nhà Kinh thánh; Emanuela Prinzivalli, Giáo sư Lịch sử Kitô giáo và Giáo Hội tại Đại học Sapienza của Roma; v.v..

    Các đoạn chính của câu chuyện được thể hiện bằng các bảng minh họa, nhằm cho thấy khả năng trong hành trình tri thức của Thánh Gioan Tẩy giả và môi trường lịch sử và văn hóa của ngài.

    (CSR_2226_2019)

    Văn Yên SJ (Vatican News)

     

     

     

    Đọc thêm »
  • Diễn viên John Malkovich trong bộ phim "Giáo hoàng Mới"

    lepoint.fr, Bastien Hauguel, 2018-07-03

    Tiếp theo diễn viên Jude Law, Giáo hoàng Trẻ (The Young Pope), diễn viên John Malkovich đóng bộ phim thứ nhì Giáo hoàng Mới (The New Pope) của nhà đạo diễn Ý Paolo Sorrentino.

    Vatican có giáo hoàng mới chăng? Không! Sau bộ phim truyền hình The Young Pope năm 2016 chiếu trên đài truyền hình Canal +, diễn viên Jude Law đáng lý đóng lại bộ phim thứ nhì có tên Giáo hoàng Mới nhưng lần này ông sẽ không đóng, vai giáo hoàng được đạo diễn Ý Sorentino giao cho diễn viên John Malkovich. Cuốn phim bắt đầu quay ở Ý vào tháng 11-2018.

    Được loan báo lần đầu tiên vào tháng 5 – 2017, Giáo hoàng Mới, như tên bộ phim, kể một câu chuyện hoàn toàn mới. Bộ phim kể các sự kiện sau năm 2016 với diễn viên John Malkovich trong vai nhà lãnh đạo Giáo hội công giáo mới. Diễn viên Jude Law chỉ xuất hiện trong các cảnh hồi tưởng (flash-back). Nhưng các fan của phim Giáo hoàng Trẻ yên tâm vì đạo diễn Paolo Sorrentino sẽ cho chiếu các cảnh trình chiếu (showrunner) cho cuốn phim thứ nhì này.

    Một trong các vai diễn hay nhất của diễn viên Jude Law

    Với cuốn phim Giáo hoàng Trẻ, nhà đạo diễn Paolo Sorrentino đã giao cho diễn viên Jude Law vai diễn hay nhất của diễn viên này từ mười năm nay. Diễn viên Law diễn vai Lenny Belardo (giáo hoàng giả tưởng Piô  XIII), giáo hoàng người Mỹ đầu tiên trong Lịch sử. Vai diễn được Golden Globes 2018 đề cử Jude Law là diễn viên hay nhất của phim bộ truyền hình.

    Còn diễn viên John Malkovich xuất hiện lại sau nhiều năm vắng bóng ở phim trường. Diễn viên Malkovich 64 tuổi chắc chắn sẽ hạnh phúc trong vai giáo hoàng… Giáo hoàng Mới!

     

    Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch 

     

    Đọc thêm »
  • Linh mục Dòng Tên James Martin khóc khi xem phim "Silence"

    (phimconggiao.net 12/9/2016) - Đạo diễn danh tiếng người Mỹ Martin Scorsese đã ở Rôma nhiều ngày để giới thiệu phim Silence (Im lặng) cho các tu sĩ Dòng Tên, đây là cuốn phim mới nhất của ông. Ông cũng đã được Đức Phanxicô tiếp kiến. Cuốn phim kể câu chuyện hai tu sĩ truyền giáo Dòng Tên bị bách hại ở Nhật vào thế kỷ XVII.

    Tối 29 tháng 11, ông đã có buổi ra mắt phim với 300 tu sĩ Dòng Tên ở Viện Giáo hoàng Đông phương. Chỉ có các tu sĩ được dự buổi ra mắt này, báo chí không được mời.

    Cuốn phim dài 3 giờ, phần cuối phim rất xúc động. Linh mục Dòng Tên James Martin là người cố vấn cho cuốn phim, cha cho biết: "Một sự im lặng hoàn toàn, có thể nói chúng tôi có thể nghe tiếng ruồi bay! Và cũng là một kỷ niệm sâu đậm thật xúc động được xem phim về các bạn đồng tu cùng với các bạn đồng tu của tôi." Thêm nữa, đây là cuốn phim đích thực mô tả đời sống các tu sĩ Dòng Tên một cách xác thực. Bằng chứng cho cố gắng hết mình này, nam diễn viên chính Andrew Garfield đã đi linh thao trong vòng sáu tháng với linh mục James Martin. Nhóm làm phim cũng được tham khảo tài liệu trong thư viện của các tu sĩ Dòng Tên ở Rôma.

    Như chìm sâu trong lời cầu nguyện

    Lm. James Martin thổ lộ với nhật báo La Repubblica: "Đặc biệt vào cuối phim, tôi đã khóc. Các vị tu sĩ tử đạo Dòng Tên đúng là các vị anh hùng cao cả […] và được xem câu chuyện của họ trong cuốn phim đẹp như vậy, một tuyệt tác như vậy thì giống như chìm sâu trong lời cầu nguyện."

    Linh mục Francesco Occhetta đã bình luận trên tài khoản Twitter của cha: "Một cuốn phim chân thực nhưng cũng gay go, đã mở ra cho những vấn đề sâu xa. Cuốn phim nói đến sự im lặng của Chúa trước bạo lực cũng như việc bỏ đạo của các tín hữu bị bách hại."

    Sau buổi chiếu phim, nhà đạo diễn có buổi trả lời các câu hỏi trong vòng một giờ. Ông nói đến đức tin và sự biến đổi của mình trong 30 năm vừa qua. Một tu sĩ Dòng Tên Phillippines nói đến suy tư của mình về công việc truyền giáo ở Á châu, cha khen ngợi sự nhạy cảm của cuốn phim về chủ đề này.

    Sáng hôm sau, nhà đạo diễn người Mỹ gốc Sicilia Ý đã được Đức Phanxicô tiếp trong vòng 15 phút. Jorge Bergoglio, giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên trong tuổi thanh xuân của mình đã từng mơ di truyền giáo ở Nhật, nhưng vì sức khỏe kém nên cha đã không đi được, theo như Tổng Giám mục Giáo phận Nagasaki cho biết năm 2013. Ngài chưa xem phim nhưng đã đọc quyển tiểu thuyết "Im Lặng" của nhà văn Nhật Shusaku Endo. Quyển sách này được xuất bản năm 1966 và Martin Scorsese mong muốn chuyển thể từ gần 20 năm nay.

    Ông đã thực hiện một tuyệt tác về đời sống của chúng tôi

    Chúa nhật trước đó, cộng đoàn tu sĩ Dòng Tên ở Rôma đã tiếp nhà đạo diễn ở trụ sở chính của Dòng và đã đưa ông đi xem một vài nơi tuyệt đẹp của Dòng như nhà thờ Gesù huy hoàng. Theo linh mục James Martin, đây là một cách để "cám ơn ông về món quà mà ông đã tặng cho Nhà Dòng. Ông đã hoàn thành một tuyệt tác về đời sống của chúng tôi."

    Linh mục James Martin và đạo diễn Martin Scorsese trong buổi ra mắt phim ngày 29/11/2016

    Cuốn phim sẽ được chiếu ở Mỹ vào cuối tháng 12/2016, nhưng tại Pháp thì phải chờ đến ngày 8/2/2017.

    Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch
    lavie.fr, Sixtine Chartier, 2016-12-01

     

    Đọc thêm »
  • Ra mắt phim "Silence", một siêu phẩm mới của Hollywood

    [phimconggiao.net 12/9/2016] - Hãng phim Paramount Pictures vừa thực hiện một bộ phim có tên là “Silence” (tạm dịch: Sự im lặng), do Martin Scorsese làm đạo diễn, dựa trên cuốn tiểu thuyết của nhà văn Shusaku Endo, nói về tình hình của Công giáo ở Nhật Bản vào thế kỷ XVII.

    Đặt bối cảnh vào những năm đầu của năm 1600, cuốn tiểu thuyết nói về cuộc bách hại tàn bạo của Shogun Hideyochi và Tokugawa Shogun đối với các Kitô hữu lúc bấy giờ. Cuộc bách hại đã gây ra cái chết cho rất nhiều tín hữu, nhà truyền giáo và linh mục bản địa.

    Cha Brian Mac Cuarta, SJ cùng nhóm làm việc tại Văn khố Dòng Tên ở Roma đã làm việc với nhà sản xuất để viết ra một bản phác thảo cho bộ phim. Phim bắt đầu được quay vào ngày 19/1 vừa rồi và sẽ công chiếu vào cuối năm 2016.

    Xem trailer phim "Silence"

    Nhà văn người Nhật Shusaku Endo đã xuất bản tác phẩm “Silence” của mình vào năm 1966 và đã được một Giêsu hữu người Ireland là cha Bill Johnston dịch sang tiếng Anh.

    Nhân vật chính trong tác phẩm là một nhà truyền giáo dòng Tên người Bồ Đào Nhà, Cristovao Ferreira, bị tra tấn vì không chịu chối bỏ niềm tin của mình. Nói về vị truyền giáo này, Endo cũng nhằm diễn ta cuộc chiến mà Công giáo, cũng như Kitô giáo nói chung, đang phải đối mặt ngày hôm nay tại Nhật Bản.

    Đề tài một Thiên Chúa luôn thinh lặng đồng hành với các tín hữu trong nhiều cách thức khác nhau đã có một ảnh hưởng rất lớn đến kinh nghiệm bách hại tôn giáo của Endo ở Nhật Bản, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Pháp và cuộc tấn công của bệnh lao phổi vào thời điểm này.

    Liam Neeson, nhân vật chính của bộ phim “The Mission”, cũng thủ vai chính trong bộ phim này. Ngoài ra, còn có Adam Driver, Tadanobu Asano, và ngôi sao Người Nhện Andrew Garfield tham gia đóng phim.

    Theo UCANews

     

    Đọc thêm »
  • Từ cuốn tiểu sử "Phanxicô, cuộc đời và cách mạng" đến bộ phim đầu tiên về ĐGH Phanxicô

    Cuốn phim Đức Phanxicô, phóng tác theo tiểu sử Đức Giáo hoàng Phanxicô của nữ ký giả Elisabetta Piqué mà bà đã quen biết trước từ năm 2001, đã được chiếu ở các rạp từ ngày 28/9/2016.

    Nữ ký giả Elisabetta Piqué nhớ lại cuộc phỏng vấn đầu tiên với Đức Phanxicô, ngài gần như là một người “rụt rè. Không phải là một siêu sao chút nào”.

    Rất ít ký giả hình dung cuộc bầu chọn Hồng y Bergoglio trong lần mật nghị năm 2013. Nữ ký giả người Argentina Elisabetta Piqué là một trong các ký giả này, bà đã quen biết Tổng Giám mục Buenos Aires từ năm 2001.

    “Tôi gặp ngài hơi xa xa một chút ở ngoài đường”, nữ ký giả tóc vàng ngoài năm mươi nhớ lại, bà buông ly cappuccinô xuống để chỉ về hướng Nhà các Tu sĩ (Casa del Clero), nơi Hồng y Argentina quen thuộc với trung tâm lịch sử Rôma, ở cách vài trăm mét căn hộ của bà.

    Vào thời đó, nhật báo La Nacion của Argentina gọi cho bà để nhờ bà phỏng vấn người mà cuối tuần đó sẽ nhận mũ hồng y từ tay của Đức Gioan Phaolô II. Nữ ký giả Elisabetta Piqué sinh trưởng ở Ý, sau đó bà theo cha mẹ di dân qua Argentina, bà không phải là chuyên gia chuyên ngành về các vấn đề tôn giáo.

    “Tôi không biết gì về ngài, ngoại trừ ngài là một tu sĩ Dòng Tên và ngài rất ít khi nhận lời phỏng vấn.” Một cách nghề nghiệp, bà không tỏ ra mình không biết. “Tôi điện thoại, và ngài nhận lời cho tôi phỏng vấn ngay lập tức.”

    “Ngài ở trong một góc, gần như rất rụt rè”

    Người mà bà gặp thì rất khác với hình ảnh của một hoàng tử Giáo Hội mà bà hình dung trong đầu. “Khi tôi đến thì ngài ngồi trong một góc, gần như rất rụt rè. Không có nét gì là siêu sao. Tôi nói thẳng cho ngài biết là tôi không biết gì về Giáo hội. Rồi câu hỏi tự nhiên đến và câu trả lời của ngài thì chính xác và rõ ràng.”

    Hai hay ba ngày sau đó, chuộng điện thoại reo. “Cha cám ơn cuộc phỏng vấn”, Hồng y Argentina đơn giản nói và từ đó nối kết liên lạc ngày càng chặt chẽ hơn. “Tôi gặp ngài mỗi lần ngài đến Rôma và mỗi lần tôi đi Buenos Aires.”

    Vì thế mà chiều ngày 13/3/2013, Elisabetta Piqué không ngạc nhiên mấy về cuộc bầu chọn Hồng y Bergoglio, trong khi chồng của bà là ký giả Ireland Gerard O’Connell, “một nhà Vatican học chính cống”, không đặt nhiều hy vọng vào Đức Bergoglio cho mấy.

    “Sáng hôm sau tôi chở con gái đi học. Vào 9 giờ sáng, mọi người gọi tôi để biết ai là tân giáo hoàng. Không ai biết về ngài.” Vì thiếu thông tin nên các đồng nghiệp Vatican học của bà bị giao động bởi phong cách mới của giáo hoàng Argentina, vì thế buộc bà phải kể quá trình của tu sĩ Dòng Tên Argentina này.

    Từ đó, một cách nhanh chóng, bà nghĩ đến việc viết sách để giải thích, khi là giáo hoàng, Đức Bergoglio đã nói y hệt như khi ngài nói ở Buenos Aires. “Nhưng không ai nghe ngài ngoài bức tường Argentina”, bà Elisabetta Piqué cho biết.

    Cũng một cách nhanh chóng, bà có trực giác giáo hoàng Châu Mỹ La Tinh đầu tiên của lịch sử sẽ làm cách mạng Giáo Hội và bà bắt đầu gặp những người ở Argentina đã từng biết Jorge Bergoglio trong cuộc đời của họ”.

    Cử chỉ tự tin, cái nhìn sắc bén

    Và đây đúng là tiểu sử đầu tiên của tân giáo hoàng: “Phanxicô, cuộc đời và cách mạng” (Francisco, vida et revolucion), được điện ảnh gia Beda Docampo Feijóo đưa lên màn ảnh, cuốn phim được chiếu ở Pháp ngày 28/9/2016. “Một phóng tác: đây là một cuốn phim, không phải là phim tài liệu”, nữ ký giả nhấn mạnh, dù vậy người ta cũng thấy chân dung bà phảng phất trong vai nữ ký giả do diễn viên người Tây Ban Nha Silvia Abascal đóng.

    “Cùng một lúc là tôi và nhiều người khác. Giống như nhiều nhân vật khác trong phim luôn là trộn lẫn của nhiều nhân vật khác nhau. Nữ ký giả với cử chỉ tự tin, cái nhìn sắc bén khác xa với hình ảnh ngây thơ của nữ ký giả trẻ Ana trong phim, cũng như nhân vật trong phim, bà biết tạo một chỗ đứng trong môi trường rất đàn ông của các nhà Vatican học.

    Nhưng đó không phải là điểm quan trọng của cuốn phim, mục đích của cuốn phim là để khán giả gặp được Đức Phanxicô. Cuốn phim nhấn mạnh trước hết, cũng như nữ ký giả Elisabetta Piqué trong quyển sách của mình muốn nói, đó là nêu lên sự liên tục của Tổng Giám mục Buenos Aires, “cha Jorge”, như ngài thường thích mọi người gọi mình như thế.

    “Quyền lực không làm cho ngài thay đổi, bà Elisabetta Piqué bảo đảm như thế, bà vẫn còn liên lạc thường xuyên với ngài. Ngài không cảm thấy mình như một anh hùng, ngài vẫn tiếp tục như trước nhưng dĩ nhiên bây giờ với một hàng rào an ninh chặt chẽ.” Nhưng các hàng rào này không thay đổi tương quan của ngài với giáo dân, các tín hữu trung thành này thích gặp ngài trong các buổi tiếp kiến chung ở Quảng trường Thánh Phêrô. “Những người này, bà Elisabetta Piqué tin chắc, hiểu ngài hơn là các nhà Vatican học.”

    Cảm hứng của bà: “Bergoglio”

    “Viết tiểu sử của một giáo hoàng không phải là một chuyện nhỏ. Tôi không nghĩ tôi có thể làm được, nhưng cùng một lúc, tôi phải chấp nhận thách thức này. Rất nhiều người viết tiểu sử Đức Bergoglio, nhưng tôi, tôi may mắn gặp ngài nhiều lần, được biết ngài. Tôi có nhiều chi tiết.

    Một cách nào đó, chính ngài là nguồn cảm hứng của tôi! Tôi cũng gặp nhiều nhân vật khác cũng đã biết ngài và tôi biết tôi có thể viết một quyển sách mang ý tưởng giáo hoàng này là ai, để nói lên đúng Bergoglio là ai.”

     

    Marta An Nguyễn
    chuyển dịch từ LaCroix.com

     

    Đọc thêm »
  • It's a wonderful life (Cuộc sống tuyệt vời) mãi mãi là bộ phim Giáng Sinh bất tử

    Trên Youtube, khi bạn gõ vào thanh tìm kiếm để nghe bài hát Auld lang Syne từ phim It’s a wonderful life (Cuộc sống tuyệt vời) thì có một lời bình như thế này: Why don’t they make movies like these anymore? (Vì sao người ta không làm những bộ phim như thế này nữa?)

    Lời bình luận được rất nhiều người like. Một câu hỏi nghe có vẻ đơn giản nhưng thật sự khiến người ta suy nghĩ, không phải suy nghĩ xem vì sao người ta không làm nữa, mà suy nghĩ về cuộc sống hiện đại, xã hội đang bước vào thời kì hậu hiện đại, những giá trị nhân bản của cuộc sống dường như đang mai một, hoặc đang lái sang những hướng khác khiến những người sống hoài cổ và trân trọng quá khứ cảm thấy bối rối và lạc lõng. Những giá trị thuần khiết về mặt đạo đức, những mơ ước giản đơn đã rơi rụng đi nhiều. Người ta không thể bám vào quá khứ để sống, nhưng người ta cần quá khứ để biết nâng niu cái đẹp của cuộc đời. Đấy là điều tôi muốn nói về một trong những bộ phim hay nhất về Giáng Sinh, It’s a Wonderful Life, của Frank Capra đạo diễn năm 1946.

    Bộ phim nói về cuộc đời của George Bailey (James Stewart), người từ khi sinh ra cho đến lúc lập gia đình chưa một lần bước chân rời khỏi thị trấn quê hương Bedford Falls của mình, mặc dù từ khi còn bé anh đã nuôi tham vọng đi khắp nơi trên thế giới. Anh nói: “Có ba âm thanh quyến rũ nhất thế giới, đó là tiếng động cơ tàu lửa, tàu thủy và máy bay.” Vì những âm thanh đó báo hiệu rằng ta sẽ rời khỏi nơi này để đến nơi khác, khám khá cuộc sống mới và vùng đất mới. Nhưng cứ mỗi khi anh sắp thực hiện được ước mơ của mình thì một biến cố nào đó lại xảy ra và giữ anh lại với thị trấn quê hương anh để giúp đỡ mọi người.

    Trong thị trấn có một lão nhà giàu có tên Henry F. Porter (Lionel Barrymore) chuyên cho vay nặng lãi và là cổ đông của hãng tín dụng "Building & Loan", nơi bố của Bailey là một trong những người điều hành. Hoạt động của công ty giống như ngân hàng nhưng những khoản tiền gửi của khách sẽ được dùng để xây dựng những khu nhà kinh phí thấp cho người nghèo, chính vì vậy khi bố của Bailey qua đời, Henry một mực thuyết phục cổ đông của công ty giải thể nó, điều đó đồng nghĩa với việc những người nghèo sẽ không còn có thể có nhà ở giá thấp nữa. Điều duy nhất khiến công ty tiếp tục tồn tại là George buộc phải tiếp quản điều hành công ty trong khi anh đã sẵn sàng mọi thứ để lên đường thực hiện ước mơ của mình. Những biến cố liên tiếp xảy ra, Potter luôn tìm cách mua chuộc hoặc gây thiệt hại cho công ty để anh từ bỏ, nhưng George thà bỏ hết tiền của mình, những đồng tiền dự định cho chuyến trăng mật của anh và vợ để cứu công ty – nơi có thể giúp đỡ được rất nhiều người nghèo khổ.

    Bộ phim cứ vậy, một cuộc chiến của một người đàn ông giữa trách nhiệm của mình với gia đình và xã hội với chính đam mê của mình, và cuộc chiến chống lại sự tham lam của con người mà lão Potter là đại diện. Đạo diễn Frank Capra đưa ra cho ta một cái nhìn rất rõ ràng giữa thiện và ác hay nói đúng hơn giữa lòng tham và sự khoan dung. Câu chuyện giản dị, giàu tình cảm, những tình tiết hài hước được cài cắm khéo léo. Mỗi cá tính được điển hình hoá, mỗi tính cách được thể hiện nổi bật ở vai trò của mình trong bộ khung tổng thể của cuộc sống. Sự tương phản giữa thiện và ác, giữa hạnh phúc và đau khổ, giữa tuyệt vọng và tình người được nhấn mạnh một cách xuất sắc.

    Nội dung phim dù không phức tạp hay đặc biệt nếu đặt ở tầm tư duy của xã hội hiện đại, nhưng những thông điệp mà bộ phim mang lại luôn luôn có thể áp dụng trong mọi thời đại, thông điệp của sự sẻ chia yêu thương và sống vì người khác. Nếu ai cũng chỉ sống vì mình mà thiếu đi tình yêu gia đình, xã hội thì có lẽ loài người đã tuyệt chủng từ lâu. Mỗi cá nhân chúng ta sống trong cuộc đời đều không thể tồn tại độc lập, tất cả đều có sự tương tác, giao kết, ta sống đời ta nhưng đời ta lại có rất nhiều sợi dây nối với những cuộc đời khác, những số phận khác. George Bailey khi tuyệt vọng nhất định tìm đến cái chết, và anh đã thốt lên: ước gì anh không được sinh ra trong cõi đời này. Nhưng nếu anh không tồn tại thì chuyện gì sẽ xảy ra, em trai anh sẽ chết trong hố băng vì không có ai cứu, ông già dược sĩ sẽ bị đi tù vì đưa nhầm thuốc độc, thị trấn Bedford Falls sẽ bị đổi tên và biến thành một thị trấn khác với toàn những câu lạc bộ rẻ tiền, những người dân nghèo sẽ bị vắt kiệt trong những những căn nhà lụp xụp được cho thuê với giá cắt cổ… Nếu không có George Bailey thì tất cả những điều đó sẽ xẩy ra, những sợi dây liên kết bị biến mất, cuộc sống của nhiều người đi theo những hướng khác sống trong những dòng thời gian khác. Trong một cuộc đời, luôn luôn có những lúc ta cảm thấy như đang chìm trong địa ngục, những địa ngục ở trần gian, nhưng không vì thế mà ta vô trách nhiệm từ bỏ cuộc sống của ta, George Bailey đã sống một cuộc đời cống hiến, đã dành được rất nhiều tình cảm của mọi người, “Chúng ta sẽ không là những kẻ thất bại nếu chúng ta có bạn”.

    Có lẽ chính vì thế, It’s a wonderful life mặc dù không đạt được thành công về mặt thương mại, nhưng nó đã và luôn là một trong những bộ phim đáng xem nhất mỗi dịp Giáng Sinh và năm mới đến. Khi cái lạnh bao phủ lên mặt đất và làm co ro lòng người, thì sự ấm áp của cảm xúc và tình yêu càng cần thiết hơn bao giờ hết, nó làm ta tin vào một tương lai tươi sáng hơn, giúp ta quên một năm cũ còn nhiều vướng mắc. Những điều đó mới chính là thứ con người ta cần trong những giờ phút giao thời.

    Thật không dễ đề tìm được một bộ phim vừa sâu sắc vừa gần gũi với khán giả đại chúng như thế này trong thế giới điện ảnh bây giờ, vẻ đẹp của sự tối giản đã nhường chỗ cho sự tinh tế của một cái đầu phải nghĩ thật sâu để hiểu được vấn đề, những câu hỏi tại sao, những suy nghĩ đầu óc mệt mỏi về những tầng ý nghĩa dày dặc của đạo diễn. Không ai cần phải tranh cãi xem bộ phim nói về điều gì, có hay như mong đợi hay không vì bộ phim của Frank Capra đã chứa đựng sự tinh tế của một tâm hồn biết rung động trước cái đẹp, cái đẹp của cuộc sống, của tình yêu, tình bạn. Giống như Casablanca, It’s a wonderful life là một bộ phim sống mãi với thời gian, phù hợp với mọi thời đại, không bao giờ bị cũ vì tư tưởng xuyên suốt phim là thứ tư tưởng thuần nhất của con người.

     

    Nguồn: mannup.vn

    Đọc thêm »
  • Giải thưởng điện ảnh "Mirabile Dictu" 2016: Phim “Poveda” được trao giải phim hay nhất

    Mirabile Dictu, Liên hoan Phim Công giáo Quốc tế lần thứ bảy (năm 2016) đã diễn ra từ ngày 20 đến 23 tháng Sáu vừa qua tại khách sạn Palazzo Cardinal Cesi ở Vatican.

    Kết quả, giải phim ngắn hay nhất được trao cho phim The Confession (Xưng tội) của cha John La Raw (Hàn Quốc). Bộ phim nói về một giáo dân xưng tội với một linh mục trẻ. Nhiều năm trước người ấy gây tai nạn chết người vì lái xe trong tình trạng say rượu, sau đó đã bỏ trốn. Tiếng kêu khóc của đứa con của người bị nạn khi ấy khiến cho hối nhân luôn bị lương tâm cắn rứt trong suốt những năm tháng lẩn trốn cảnh sát. Điều người ấy không ngờ là đứa con ấy sau này lớn lên và trở thành một linh mục, chính là vị linh mục đang giải tội cho mình.

    Trong hạng mục phim hay nhất, giải thưởng về tay nhà sản xuất bộ phim Poveda của đạo diễn Pablo Moreno (Tây Ban Nha). Đây là tiểu sử cuộc đời của Thánh Pedro Poveda, một linh mục Tây Ban Nha đã nỗ lực nhằm cách mạng việc giáo dục cho các phụ nữ và trẻ em thiệt thòi trong những năm 30 của thế kỷ trước. “Những người anh chị em của chúng ta thiếu thốn rất nhiều và nay là lúc chúng ta phải nhìn đến những người yếu đuối, đói khát, trần truồng, nhữngtrẻ em không được đến trường”.

    Đạo diễn Peter Schreiner (Áo) giành giải đạo diễn xuất sắc nhất với bộ phim Lampedusa, nội dung phim là cuộc đời của một người tị nạn châu Phi sau khi đến được đảo Lampedusa của Italia.

    Phim tài liệu hay nhất dành cho phim A life is never wasted (Một cuộc đời không hề uổng phí) của Krzysztof Tadej (Ba Lan), nói về hai vị thừa sai tử đạo người Ba Lan đã bị giết ở Peru bởi Sendero Luminoso (Con đường Sáng), tức Đảng cộng sản của quốc gia này.

    Giải của Tổ chức Capax Dei được trao cho  phim Kateri của James Kelty (U.S.A.). Phim kể chuyện cuộc đời của Thánh nữ Kateri Tekakwitha, là người bản địa đầu tiên của châu Mỹ được tuyên thánh năm 2012, do Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI.

    Giải thành tựu trọn đời được trao cho ông Bibi Ballandi, người Ý, là một nhà sản xuất truyền hình và người phát hiện những tài năng lớn; ông có khả năng hướng các nghệ sĩ đến với đức tin.

    Liên hoan phim Mirabile Dictu (tiếng Latinh: Thật tuyệt vời để kể lại) được thành lập năm 2010 do sáng kiến của bà Liana Marabini dưới sự bảo trợ của Hội đồng Toà thánh về Văn hóa, nhằm mục đích trình bày Giáo Hội theo một viễn tượng mới: vừa hấp dẫn vừa theo truyền thống. Các bộ phim dự thi có một yếu tố chung là cổ vũ các giá trị đạo đức phổ quát và các hình mẫu tích cực.

    Các giải thưởng của Mirabile Dictu –“Il Pesce d’Argento” (Con cá bạc), lấy cảm hứng từ biểu tượng ban đầu của Kitô giáo–, được coi là giải “Oscar” của điện ảnh Công giáo. Giải nhìn nhận những tác phẩm điện ảnh được lấy cảm hứng từ Kitô giáo cả về đề tài lẫn cách thể hiện.

    Chủ tịch của Liên hoan phim Mirabile Dictu, bà Liana Marabini, là một nhà sản xuất, đạo diễn và nhà xuất bản. Bà dành tâm huyết cho công việc nghiên cứu lịch sử Giáo Hội, và đặc biệt quan tâm đến ngôn ngữ tôn giáo và truyền thông, là điều thường thấy trong những bộ phim do bà sản xuất và các sách do bà xuất bản.


    Minh Đức (WHĐ)

    Đọc thêm »
  • Phim mới ''Ben-Hur'' về tình huynh đệ, phản bội, nô lệ, tình yêu, tha thứ và ơn Cứu độ

    Từ ngày 19/8/2016, bộ phim màn ảnh rộng Ben-Hur đã được khởi chiếu tại các rạp trên toàn quốc Hoa Kỳ. Ben Hur là một câu chuyện cổ điển nói về tình huynh đệ, sự phản bội, chế độ nô lệ và tình yêu, sự tha thứ và ơn Cứu độ.

    Ben-Hur phiên bản mới kể về câu chuyện của Giu-đa Ben-Hur (do Jack Huston đóng), Ben-Hur là một hoàng tử bị vu cáo là phản bội bởi chính người anh em nuôi của mình là Messala (do Toby Kebbell đóng), một sĩ quan trong quân đội La Mã. Ben-Hur bị tước danh hiệu hoàng tử và phải tách khỏi gia đình và người yêu của mình (do Nazanin Boniadi đóng), Ben-Hur bị buộc làm nô lệ và trở nên tuyệt vọng.

    Sau nhiều năm trên biển, khúc rẽ ngoạn mục đã đưa Ben-Hur tới một cuộc hành trình lịch sử trở lại quê hương của mình để tìm cách báo thù, nơi mà cơ hội gặp gỡ với Chúa Giêsu thành Nazareth (do Rodrigo Santoro đóng) đã biến đổi cuộc sống của anh và dẫn Ben-Hur khám phá ra ân sủng, lòng thương xót và cuối cùng là ơn cứu rỗi. Bộ phim còn được siêu minh tinh Morgan Freeman trong một màn trình diễn khó quên.

    Ben-Hur không chỉ là một câu chuyện ly kỳ và thú vị, nó cũng là một câu chuyện đã ảnh hưởng hàng triệu con tim và đời sống dân chúng khắp nơi với thông điệp mạnh mẽ về sự tha thứ và sự cứu chuộc. Trong thực tế, phiên bản năm 1959 là bộ phim Hollywood đầu tiên có đặc trưng trình bày Chúa Giêsu như là một nhân vật trung tâm trong câu chuyện.


    Xem trailler của phim Ben Hur (2016)

    Phiên bản phim mới Ben-Hur diễn tả những tình tiết thú vị và điềm đạm, chắc chắn một lần nữa sẽ có tác động mạnh mẽ và lôi cuốn, không chỉ tại các rạp chiếu phim, mà còn trong cuộc sống của tất cả những ai xem phim này.

    (Chúng tôi sẽ biên dịch phụ đề Việt ngữ để trình chiếu phục vụ quý vị cùng các bạn trong thời gian sớm nhất có thể).

    Trong lúc chờ đợi, mời quý vị xem lại phim Ben-Hur phiên bản 1959 của Hollywood.

    PHIMCONGGIAO.NET

    Đọc thêm »
  • Giới thiệu phim: Giải phóng một đại lục: Đức Gioan Phaolô II và sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản

    Liberating a Continent: John Paul II and the Fall of Communism (Giải phóng một đại lục: Đức Gioan Phaolô II và sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản) là tiêu đề bộ phim tài liệu mới về Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đang được trình chiếu tại Hoa Kỳ.

    Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II qua đời vào ngày 2/4/2005. Trong thánh lễ an táng của ngài có hàng trăm nguyên thủ quốc gia và có khoảng 4 triệu người đã tuôn về Roma để tiễn biệt ngài lần cuối. Đông đảo tín hữu tham dự thánh lễ đó đã hô vang: “Santo subito- phong thánh ngay lập tức.” Sau đó, tiến trình hồ sơ phong thánh cho ngài được tiến triển tốt đẹp. Vào ngày 19/12/ 2009, Đức Bênêđictô XVI đã ký sắc lệnh tuyên bố ngài là bậc đáng kính và ngày 1/5/2011 Đức Gioan Phaolô II đã được phong lên hàng chân phước. Ngày 27/4/2014, Đức Phanxicô đã nâng ngài lên bậc hiển thánh. Bộ phim tư liệu mới này sẽ giúp thế hệ trẻ hiểu biết thêm về con người vĩ đại - Đức Gioan Phaolô II.

    Bộ phim Giải phóng một đại lục: Đức Gioan Phaolô II và sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản được tường thuật bởi Jim Caviezel, người đóng vai Chúa Giêsu trong bộ phim “Cuộc khổ nạn của Chúa Kitô” do Mel Gibson đạo diễn. Bộ phim đã phỏng vấn rất nhiều nhân vật quan trọng bao gồm Đức Hồng y Stanislaw - Tổng Giám mục Krakow, nguyên thư ký riêng của Đức Gioan Phaolô II; Hanna Suchocka - Thủ tướng Ba Lan từ 1992-1993; Richard Allen - Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ thời Tổng thống Reagan từ 1981-1982, cùng các sử gia, chính trị gia, nhà báo, các giáo sư.

    Bộ phim tư liệu này đã lột tả vai trò quan trọng của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong việc giải phóng cả một đại lục rộng lớn tại Châu Âu. David Naglieri, người viết kịch bản và đạo diễn bộ phim nói với CNA rằng: “Sự khác biệt bộ phim của chúng tôi và các tác phẩm cùng loại trong quá khứ ở chỗ chúng tôi nhìn toàn cảnh cục diện của Trung Tâm và miền Đông Âu và sứ điệp của ngài không những lay động riêng Ba Lan mà cả các quốc gia khác nữa.”

    Cuộc đời của Đức Gioan Phaolô II từ thời thơ ấu đến khi làm linh mục, giám mục, hồng y và sau đó là giáo hoàng cũng được đề cập trong bộ phim. Lời hiệu triệu của ngài khi khởi đầu sứ vụ giáo hoàng, “đừng sợ- hãy mở cửa cho Chúa Kiô”, đã làm xúc động trái tim thế giới.

    Nhiều chứng nhân được phỏng vấn đã kể lại các cuộc trở về quê hương Ba Lan của Đức Gioan Phaolô II, các hoạt động công khai hay âm thầm của ngài nhằm thúc đẩy việc sụp đổ chế độ cộng sản tại Ba Lan, Liên Xô và Đông Âu. Cuộc trở về Ba Lan lần thứ nhất với 9 ngày vào năm 1979 là điểm đặc biệt. Đức Hồng y Stanislaw đã nhận định cuộc trở về quê hương lần này của Đức Gioan Phaolô II là khởi đầu cho sự sụp đổ chế độ cộng sản tại Balan và làm thay đổi thế giới: “Không có gì nghi ngờ, bạn có thể nói rằng mọi sự bắt đầu từ đó.” Trong dịp này, Đức Gioan Phaolô II khẩn khoản mời gọi dân chúng Ba Lan hãy can đảm và ngài ngỏ lời: “Hãy để Chúa Thánh Thần ngự đến! Xin người canh tân bộ mặt trái đất, canh tân bộ mặt miền đất này.”

    Suốt hơn 26 năm can đảm lên tiếng bảo vệ phẩm giá và quyền con người trong triều đại Giáo Hoàng của Đức Gioan Phaolô II đã được tường thuật trong bộ phim. Mặc dù đã thành mục tiêu tấn công và bị bắn tại quảng trường Roma vào ngày 13/5/1981, ý chí của ngài không giảm trong việc giúp giải phóng Ba Lan, Liên Xô và các nước Đông Âu thoát khỏi chế độ cộng sản.

    Bộ phim tư liệu này là một tin vui cho mọi người hiểu biết hơn về Đức Gioan Phaolô II. Đặc biệt cuộc đời và sứ vụ giáo hoàng của ngài có một ý nghĩa trổi vượt đối với quê hương và dân tộc Việt Nam. Với tư liệu dồi dào trong bộ phim, nó sẽ đem lại những giá trị thiêng liêng và khuyến khích người Việt noi gương Đức Gioan Phaolô II để cống hiến những khả năng của mình cho sự tự do của dân tộc.

    Xem trailer của phim Giải phóng một đại lục: Đức Gioan Phaolô II và sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản.

     

    Joseph Nguyễn Văn Thống

     

     

    Đọc thêm »
  • Những cuốn phim Đức Thánh Cha Phanxicô ưa thích

    Trong nhiều cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha cho hay ít ra cũng có ba cuốn phim đã giúp ngài uốn nắn đời sống tâm linh và luân lý của ngài: phim Rome, Open City (1945) của đạo diễn Roberto Rosellini về Chiến tranh Thế giới thứ II; La Strada (1954) của đạo diễn Federico Fellini; và phim Babette's Feast (1988) của Đan Mạch.

    Cả ba đều nằm trong danh sách 45 “phim hay” do Vatican lựa chọn vào năm 1995 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngành điện ảnh. Cả ba phim bằng cách riêng đều làm sáng tỏ một trong những chủ đề của giáo triều Phanxicô. Như ngài đã viết trong Tông huấn Evanglii Gaudium (Niềm vui Phúc Âm): "Mỗi khi chúng ta gặp gỡ một người nào đó bằng tình yêu, chúng ta được học hỏi thêm một điều mới lạ về Thiên Chúa.”

    Trong phim Rome, Open City, Ado Fabrizi đóng vai một linh mục anh hùng tên Don Pierro. Cha đã bày tỏ lòng cảm thương đối với người khác trong tác vụ của ngài giữa quân đội Nazi chiếm đóng, và quân kháng chiến. Một chủ chăn “có mùi cừu” và không sợ hãi phải đi tới tận vòng đai, theo lời Đức Thánh Cha thường nói. Don Pierro tìm kiếm những ai bị xã hội khinh rẻ. Pina, một phụ nữ có đức tin vững mạnh nhưng đời sống luân thường không đứng đắn, và hôn phu của bà là Franscesco, một người vô thần bị Đức Quốc Xã lùng bắt.

    Đã có lúc một sĩ quan mật vụ Đức ép cha Don Pierro phải tố cáo một đồng đội kháng chiến của Franscesco, và giả dụ rằng tất cả những người vô thần đều là kẻ thù của Giáo Hội. Đáp lại bằng đức ái, ngài trả lời: "Tôi tin rằng bất cứ người nào tranh đấu cho hoà bình và tự do đều đang đi trên con đường của Thiên Chúa.”

    La Strada chú trọng vào một khía cạnh khác của mối tương quan giữa người bạn đồng hành là lực sĩ Zampano do Anthony Quinn thủ vai và người con gái bình dị Gelsomina do Giulietta Masina đóng. Zampano là một anh chàng vũ phu có những hành vi bạo lực và những ham muốn hạ tiện, nhưng anh ta đã thay đổi nhờ gặp gỡ người con gái khiêm nhu Gelsomina. Cô ta biểu tượng cho “người nghèo khổ” (người điên của Chúa), biệt hiệu này thường được gán cho Đức Thánh Cha Phanxicô.

    Có lẽ không có cuốn phim nào trình bày tốt đẹp hơn sức mạnh biến cải của một cuộc gặp gỡ cá nhân chân thành hơn là phim Babette’s Feast của Gabriel Axel, trong đó nhân vật chính Babette, một người Pháp tị nạn, trước đây là một đầu bếp nổi tiếng. Bà đã chuẩn bị một bữa tiệc cho một cộng đoàn Kitô hữu nhỏ bé tại một vùng hẻo lánh của Đan Mạch. Qua sự lo lắng chăm sóc cho thức ăn và tình bạn, Babette đã biến đổi bữa ăn thành một “câu chuyện tình yêu” trong đó “lòng thương xót và chân lý” gặp gỡ nhau.

    Bữa tiệc với 12 thực khách có hình thức của bữa tiệc Thánh Thể, trong khi các chia rẽ xưa cũ được hàn gắn bởi thức ăn ngon miệng. Ngoài ý nghĩa về bí tích, cuốn phim còn chạm đến các chủ đề khác rất gần gũi với trái tim Đức Thánh Cha: lòng thương xót và cởi mở cho sự ngạc nhiên khi đón nhận niềm vui trong Chúa, tình cộng đồng, và một tình yêu tận hiến, được biểu lộ bởi sự hy sinh thời gian và cố gắng của Babette.

    Ngoài ra, cả ba cuốn phim đều đề cập đến những nhân vật bị tổn thương và những người tội lỗi, chắc chắn cũng nêu cao sự hiểu biết của Đức Thánh Cha Phanxicô về Giáo Hội như một bệnh xá dã chiến sau một trận chiến.

    Trong Evangelii Gaudium, Đức Thánh Cha Phanxicô viết ngài không bao giờ chán việc lập lại những lời của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI trong Tông huấn Deus Caritas Est (Thiên Chúa là Tình Yêu): “Là một Kitô hữu không phải là kết quả của một lựa chọn về đạo đức hay là một ý tưởng cao cả, mà là một cuộc gặp gỡ với một biến cố, với một người, có thể đem đời sống tới một chân trời mới và một hướng đi quyết định.”

    Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Những lời này dẫn đưa chúng ta đến chính trọng tâm của Phúc Âm.” Có một châm ngôn của Dòng Tên về “việc tìm gặp Thiên Chúa trong mọi sự”. Đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, điều này có nghĩa là dùng tất cả mọi sự - kể cả phương tiện phim ảnh – để khuyến khích những cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa.

     

    Bùi Hữu Thư
    (VietCatholic)

     

    Đọc thêm »
  • Bộ phim “Thiên Chúa không chết” (God’s Not Dead) đoạt Giải thưởng GMA Dove Awards

    [PhimCongGiao.Net] - Bộ phim chủ đề Kitô giáo khá nổi tiếng của năm 2014 Thiên Chúa không chết (God’s Not Dead) đã chiến thắng ở hạng mục phim truyền cảm hứng nhất của năm tại lễ trao giải thưởng Kitô giáo uy tín hàng đầu thế giới GMA Dove Awards lần thứ 50.

    Diễn viên David A.R. White đã chia sẻ trong một bài phỏng vấn trước đó rằng đã có một người nào đó gửi cho anh một bức ảnh của chiếc xe buýt có dán hình giải thưởng dành cho bộ phim mà anh tham gia diễn xuất. Anh chia sẻ rằng điều đó “thật sự tuyệt vời” và rằng việc bộ phim đang lan rộng trên toàn thế giới quả là một điều kỳ diệu.

    Bộ phim Thiên Chúa không chết của hãng mẹ Pure Flix Entertainment thực sự không nhận được nhiều kinh phí hỗ trợ ban đầu như nhiều bộ phim trước đó nhưng nó vẫn chiếm được một vị trí quan trọng trong lòng khán giả khi đạt doanh thu từ 8,6 - 8,9 triệu USD trong tuần đầu tiên ra mắt tại các rạp.

    Bộ phim này chỉ được chiếu tại 780 rạp trên khắp nước Mỹ, điều này thực sự làm nó lu mờ khi so sánh với con số 4000 rạp công chiếu của những bộ phim hứa hẹn đắt khách khác như Muppets Most Wanted hay Divergent.

    Bộ phim Thiên Chúa không chết kể về một chàng sinh viên mới đến với ngưỡng cửa đại học tên Josh Wheaton (do diễn viên Shane Harper thủ vai). Chàng trai trẻ này đăng ký vào một lớp triết học và gặp phải một ông thầy khét tiếng độc đoán – giáo sư Radisson (Kevin Sorbo thủ vai). Vị giáo sư này bắt các sinh viên của mình phải công nhận rằng “Thiên Chúa đã chết” nếu như muốn có được điểm qua môn của ông. Tuy nhiên Wheaton đã từ chối, một mực phủ nhận điều đó và quyết tâm bảo vệ đức tin của mình.

    Bộ phim đã nhận được hàng loạt sự hỗ trợ từ cộng đồng Kitô hữu cũng như sự xét đoán và phê bình từ những người theo chủ nghĩa vô thần cảm thấy không thoải mái với việc Kitô hữu một mực bảo vệ niềm tin của mình.

    Bộ phim được quay dưới sự chỉ đạo của đạo diễn Harold Cronk cùng với sự tham gia của hàng loạt các ngôi sao như Kevin Sorbo, Harper, David A.R. White, Phil Robertson… Được ra mắt chính thức tại khắp lãnh thổ Hoa Kỳ vào ngày 21/03/2014 và gặt hái được nhiều thành công trong lòng khán giả khắp nơi.

    Nguồn: BreatheCast

    Đọc thêm »
  • Đạo diễn Mel Gibson xác nhận phần tiếp theo của "The Passion of the Christ"

    [PCG 9/9/2016] - Đạo diễn của bộ phim "Cuộc khổ nạn của Đức Kitô" (The Passion of the Christ), Mel Gibson, đã chính thức tiết lộ về dự án điện ảnh mới nhất của mình sẽ là phần tiếp nối nội dung của "bom tấn" năm 2004, với tên gọi “The Resurrection” (Phục Sinh).

    Trong một lần gặp gỡ đầy bất ngờ trong khuôn khổ ngày hội truyền giáo SoCal Harvest vào cuối tuần qua với mục sư Greg Laurie, Mel Gibson chia sẻ rằng ông đang làm việc chăm chỉ để cho ra mắt phần tiếp theo của “The Passion of the Christ”.

    “Chúng tôi đã nói chuyện về nó. Tất nhiên, đó là một công việc khổng lồ”, Gibson nói. “Và bạn biết đấy, nó không phải là ‘Passion 2’. Nó sẽ được gọi với tên ‘The Resurrection’. Tất nhiên, đây là một dự án lớn và nó sẽ cần đến rất nhiều công sức, vì bạn biết đấy, hãy đọc những gì đã xảy ra [trong Kinh Thánh]”.

    Trước đó, vào hồi tháng Sáu, nhà biên kịch từng góp sức trong thành công của “Heaven is for Real”, Randall Wallace cũng đã tiết lộ rằng: “The Passion mới chỉ là khởi đầu và còn rất nhiều chuyện để kể đến”.

    Mel Gibson cho biết Wallace đang “thực hiện công việc” viết kịch bản cho phần tiếp theo của bộ phim: “Ngoài công việc là một cây bút tài năng, ông ấy còn là một đạo diễn kiệt xuất. Ông ấy là đạo diễn của ‘We Were Soldiers’ và ‘Heaven is for Real’ cùng nhiều phim khác”.

    “The Passion” 2004 là một bản hit của giới Kitô giáo, gây ấn tượng trên màn ảnh rộng toàn cầu.The Passion” 2004 là một bản hit của giới Kitô giáo, gây ấn tượng trên màn ảnh rộng toàn cầu.

    The Passion of the Christ” là một bản hit thương mại vào thời điểm ra mắt, thu về 612 triệu USD trên toàn cầu với chỉ 30 triệu USD chi phí sản xuất, trở thành bộ phim chủ đề tôn giáo có doanh thu cao nhất lịch sử. Bộ phim này cũng được nhận 3 đề cử tại Oscar lần thứ 77.

     

    PHIMCONGGIAO.NET

    Đọc thêm »
  • "Các nữ tu trong trắng", một bộ phim có tầm mức hoàn vũ

    Xem phim: http://phimconggiao.net/cac-nu-tu-trong-trang_f4de49b8d.html

    (Aleteia.org)Câu chuyện dựa trên các sự việc có thật và chẳng có gì đáng hấp dẫn.

    Năm 1945, sau khi bị lính Xô viết hãm hiếp nhiều lần tất cả các nữ tu của một tu viện ở Ba Lan, bảy trong số các nữ tu mang thai. Trong một đất nước bị chiến tranh tàn phá, vừa khốn cùng, vừa nghèo đói, tình trạng của họ chưa từng có và cũng không thể nói với ai. Làm gì bây giờ? Một sơ rời bức tường kín mít để xin một nữ bác sĩ trẻ người Pháp giúp đỡ.

    Một đề tài có thể làm cho nhiều người sợ điều xấu nhất sẽ xảy ra, với tràn lan các cảnh phỏng chừng, tình cảm lẫn lộn, hình ảnh không kín đáo hoặc bị lèo lái. Nhưng không có những chuyện này, trái lại là đàng khác: khởi đi từ một câu chuyện bẩn thỉu và cá biệt, nhà đạo diễn đã đưa khán giả đến tầm mức hoàn vũ mà không rơi vào sự dễ dãi. Không kể lại kịch bản, chúng tôi chỉ nêu lên đây một vài điểm tốt đẹp chính của cuốn phim.

    Trước hết là sự tôn trọng các nhân vật: được tôn lên nhờ hình ảnh rất đẹp (do cùng nhiếp ảnh gia thực hiện phim Des hommes et des dieux) trong sự hài hòa giữa các màu xám, trắng và nâu, máy quay phim luôn đưa ra góc cạnh của lời khấn khiết tịnh, chẳng hạn cho khán giả xem cảnh thân thiết nhất là sinh đẻ mà không toát ra một ly nào cho thấy sự phô bày hay dễ tính chiều theo thị hiếu. Cũng vậy, tất cả nhân vật chính không đóng khung vào một thể loại nào có vẻ giản lược quá mức: tất cả đều phức tạp, mỗi người đều có điểm yếu và ánh sáng của mình, cộng với tài năng diễn xuất tuyệt vời của các diễn viên. Hoặc, đời sống tu hành được tôn trọng, không có tham vọng cho khán giả xem những cảnh bí mật nhưng tỉ mỉ chính xác đưa ra sự liên tục của một nghi thức hoàn toàn dâng hiến, trong lời ca tiếng hát của các giờ kinh, âm thầm đưa khán giả đi từ Mùa Vọng đến Phục Sinh qua tuần Thương Khó (cố vấn về đời tu không ai khác là linh mục Ligugé).

    Kế đó là tôn trọng khán giả. Đứng trước các thách thức đảo lộn trong việc đón nhận sự sống gây ra trong bạo lực và đặt lại vấn đề ơn gọi của các sơ, các phản ứng sẽ khác nhau và đôi khi bất ngờ. Một nữ cán bộ cộng sản giúp các nữ tu và mẹ bề trên trong việc chọn lựa khủng khiếp, dựa trên tình yêu cho cộng đoàn… Mỗi khán giả, dù tin hay không tin, ở đây họ phải nhận định, không phải chỉ để hiểu thái độ của người này, người kia nhưng nhất là đặt cho chính mình những câu hỏi cơ bản nhất, mà xã hội chuộng giải trí của chúng ta thường che khuất.

    Chúng ta cho sự sống của mình cho đến đâu? Cho đến khi bỏ nó? Cho đến khi trao truyền nó – và bằng cách nào? Làm thế nào để đón nhận người khác, dù người đó là Chúa Kitô, người Do Thái, một em bé không mong muốn? Làm thế nào để mình vẫn là con người, làm thế nào để mình trở thành con người? Qua các nhân vật và qua các thánh giá của họ, cuối cùng khán giả thấy được hy vọng. Vượt lên các hình ảnh, các câu trả lời có sẵn, nữ đạo diễn Anne Fontaine cống hiến cho chúng ta một bài chiêm nghiệm đáng ngưỡng mộ.

    Lm. Denis Dupont-Fauville
    Marta An Nguyễn chuyển dịch

     

    Đọc thêm »
  • Chàng trai Mexicô trong phim "For Greater Glory" sắp được phong thánh

    Bất kì ai đã từng xem bộ phim chiếu năm 2012 For Greater Glory: The True Story of Cristiada (tên tiếng Việt là Cuộc chiến vĩ đại: Câu chuyện có thật về Cristiada) đều sẽ nhớ đến cảnh tử đạo đẫm máu và tàn độc của một thiếu niên vào năm 1920 ở Mexicô. Đó là câu chuyện có thật, và thiếu niên đó, José Luis Sánchez de Río, đang chuẩn bị được tôn phong hiển thánh.

    ĐGH Phanxicô đã chấp nhận vài sắc chiếu được trình lên ngài từ Bộ Phong Thánh, bao gồm một phép lạ được cho là nhờ lời chuyển cầu của Chân phước José, một thành viên trẻ của phong trào Cristero đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo khi chính quyền Mêxicô hạn chế một cách hà khắc các hoạt động của Giáo Hội Công Giáo.

    Trong phiên bản phim của câu chuyện này, Chân phước José được Mauricio Kuri thủ vai, là người liên tục lặp lại tiếng kêu của phong trào Cristero, "viva Cristo Rey!" có nghĩa là "vạn tuế Đức Ki-tô Vua". Đó cũng là những câu mà Chân phước Miguel Pro và những người khác hét to khi họ bị quan chức chính quyền Mexicô giết chết.

    ĐGH Bênêđictô XVI đã phong chân phước cho ngài vào năm 2005. Website của Vatican trích đăng tiểu sử của Chân phước José: José Sánchez del Río sinh ngày 28 tháng Ba năm 1913, tại Sahuayo, Michioacán, Mexico. Luôn khao khát được bảo vệ đức tin và quyền lợi của người Công giáo, cậu đã theo bước của hai người anh và đã xin phép mẹ để gia nhập phong trào Cristeros. Mẹ của cậu phản đối, và nói rằng cậu còn quá trẻ. Cậu José đã đáp lại: "Mẹ ơi, xin đừng để con bỏ lỡ cơ hội đạt được hạnh phúc Nước Trời một cách dễ dàng và nhanh chóng."

    Vào ngày 5 tháng Hai năm 1928, chàng trai đã bị bắt trong một trận chiến và bị giam giữ ở phòng áo của nhà thờ. Để khủng bố tinh thần của cậu, bọn lính đã cho cậu xem cảnh một thành viên Cristeros bị bắt khác đang bị treo. Nhưng José đã khích lệ người đó: "Anh sẽ được lên thiên đàng trước tôi. Hãy chuẩn bị một chỗ cho tôi. Nói với Đức Ki-tô Vua rằng tôi sẽ sớm ở với Ngài."

    Trong tù, cậu cầu nguyện với chuỗi Mân Côi và hát các bài ca đức tin. Cậu đã viết một bức thư tuyệt đẹp cho mẹ mình, nói với bà rằng cậu đã phó mình cho thánh ý Thiên Chúa. Cha của José đã nỗ lực chuộc con mình ra nhưng không thể gom đủ tiền kịp thời gian.

    Vào ngày 10 tháng Hai năm 1928, chàng trai đã bị tra tấn một cách tàn độc và da lòng bàn chân đã bị lóc ra; sau đó họ ép buộc cậu bước đi trên muối, sau đó lết bộ từ thị trấn ra tới nghĩa trang. Chàng trai trẻ đã hét lên trong đau đớn nhưng vẫn không bỏ cuộc.

    Những lần quân lính dừng lại và nói: “Nếu mày kêu lên, 'cái chết cho Ki-tô Vua,’ chúng tao sẽ tha cho mày sống.” Nhưng José đã trả lời: “Vạn tuế Đức Ki-tô Vua! Vạn tuế Đức Bà Guadalupe!”

    Một lần nữa khi đã tới nghĩa địa, José được hỏi một lần cuối rằng có từ bỏ niềm tin của mình hay không. Chàng trai 15 tuổi đã hét lên: “Vạn tuế Đức Ki-tô Vua!” và cuối cùng cậu bị bắn chết.

    Chân phước José sẽ được ĐGH Phanxicô tôn phong hiển thánh vào ngày 16/10/2016.

    Minh Nhật

    Đọc thêm »
  • Liên hoan phim Công giáo Quốc tế trao giải diễn viên xuất sắc vì cổ suý niềm hy vọng

    Đó là diễn viên Juan del Santo. Là một diễn viên dũng cảm và tài năng, anh mới đoạt giải “Con Cá Bạc” (Silver Fish) ở mảng diễn viên hay nhất trong Liên hoan phim Công giáo Quốc tế, với bộ phim “Flow”.

    Juan del Santo: “Nói thật với bạn, khi nghe tin, tôi không thể tin được. Tôi rất vui”.

    Trong phim, Juan del Santo vào vai một nhân vật phải đối mặt với một mưu đồ bất lương, khiến cho cuộc đời của anh ta đổi hướng. Nội dung của phim kể lại cuộc tìm kiếm nội tâm vô vọng của anh ta.

    Bộ phim được đánh giá cao vì nó vạch ra cách thức để người ta vượt qua các khó khăn trong cuộc đời mình. Juan cho biết, vào vai nhân vật này là một thách đố với anh.

    Juan del Santo: “Chúng tôi cố gắng quan sát và chiêm nghiệm về các tai hoạ nhân vật gặp phải. Chúng tôi cố gắng để làm sao các sự kiện này phải thật, phải tang thương đúng như ngoài đời thực vậy, nhưng đồng thời chúng tôi cũng cố gắng nhấn mạnh ở điểm này là: có nhiều cách thế khác nhau giúp người ta trực diện và phản ứng trước đau khổ”.

    Diễn viên tài năng này cho biết, anh cảm thấy mình rất may mắn khi được vào vai nhân vật Walter Mann, và cùng với việc đoạt được giải “Con Cá Bạc”, mọi công khó của anh đã được đền đáp.

    Juan del Santo: “Phải nhận rằng, được tham gia trong bộ phim này là một ân phúc lớn lao từ Thiên Chúa. Tôi đã ước mơ được đóng mẫu nhân vật thế này từ lâu rồi, và thật may mắn vì tôi đã được toại nguyện khi tham gia bộ phim của đạo diễn David. Với tôi, đó là một kinh nghiệm bổ ích”.

    Nhân vật mà Juan del Santo thủ vai phải làm cho thấy được niềm hy vọng bất chấp thảm cảnh bị gài bẫy đánh lừa.

    Phim “Flow” cho thấy người ta hoàn toàn có thể hy vọng, bất chấp những khó khăn trong cuộc sống.

    Nguồn: Romereports.com / daminhvn.net

     

    Đọc thêm »
  • Liên hoan phim Công giáo Cana trải thảm đỏ cho Giáo huấn Xã hội Công giáo

    CNA đưa tin, một liên hoan phim (LHP) gần đây được tổ chức ở Singapore quy tụ các nhà làm phim và những tín hữu trung thành, tới xem xét và chia sẻ học thuyết xã hội Công giáo ngang qua cách kể chuyện trong phim.

    Winifred Loh, giám đốc LHP chia sẻ với CNA ngày 3/7 rằng, Liên hoan phim Cana là bước đệm cho những phim tài liệu, phim ngắn và phim lẻ dành cho người Công giáo, gia đình và bạn bè để họ làm quen với phương tiện truyền thông cũng như giáo huấn xã hội của Giáo Hội.

    LHP tổ chức vào hai ngày 7-8 tháng 7/2014 tại Trung tâm Công giáo Singapore, với mục đích nêu lên bản chất của sứ mệnh xã hội của Giáo Hội và tầm quan trọng của việc sống đức tin nơi các tín hữu trong đời sống hằng ngày.

    Bà Winifred Loh cho biết thêm, LHP là cố gắng đầu tiên của trung tâm với mục đích như vậy, và LHP tập trung vào tính phổ quát của giáo huấn xã hội Công giáo cũng như sự chia sẻ của chúng ta với cộng đồng nhân loại. Tất cả những điều ấy được phản ánh trong những bộ phim với đa dạng chủ đề sẽ được trình chiếu trong suốt tuần LHP, kèm theo đó là những thông điệp giàu tính xã hội và thúc đẩy con người hành động.

    Những bộ phim được bình chọn sẽ phải đáp ứng một vài điều mà các nhà tổ chức đưa ra, đó là 10 quy tắc trong giáo huấn xã hội Công giáo: phẩm giá con người, sự liên kết, tinh thần bổ trợ, sự tham gia, lợi ích chung, cùng đích phổ quát của của cải, tính đoàn kết, giá trị của lao động, giá trị của sự giải trí và sự thăng tiến hòa bình.

    Bà Loh tiếp tục “Chúng ta đang đối mặt với những vấn đề phức tạp ngày nay, bao gồm thách thức trong công việc, chủ nghĩa vật chất gia tăng, sự tan vỡ gia đình, phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn, biến đổi khí hậu và còn nhiều điều khác. Mỗi ngày xuất hiện nhiều câu hỏi khác để chúng ta phản tỉnh.”

    Bà Loh chỉ ra một vài câu hỏi vốn đã trở nên tình huống khó xử phổ biến như: Làm sao để tôi quyết định mình mua gì và mua bao nhiêu? Tôi có nên cho tiền người bị tật đang xin ăn bên lề đường không? Tôi nên cư xử với những công nhân nước ngoài xung quanh tôi như thế nào đây? Tại sao tôi phải quan tâm đến việc công ty tôi sản xuất gì? Tôi phản ứng ra sao trước nhiều tai nạn mà tin tức đưa ra?

    Bà Loh nói “Ẩn sau những câu hỏi trên là một câu hỏi quan trọng hơn.” Đó là việc chúng ta sống đức tin trong thời đại ngày nay có ý nghĩa như thế nào? Đâu là phương thức cụ thể để chúng ta sống theo đòi buộc của Tin Mừng là yêu thương người thân cận?

    Bà Loh tiếp thêm rằng do phim thường phản ánh những vấn đề thực tế và khởi đi từ trái tim nên sẽ động chạm và truyền cảm hứng cho khán giả. Ngay cả khi phim hướng đến việc phản tỉnh và cầu nguyện cách cá vị, nó sẽ là hạt giống cho sự biến đổi. Ở nhiều trường hợp, phim giúp mở tâm trí khán giả nhằm theo nhãn quan khác mà trước đây họ không thường kinh qua.

    Giám đốc LHP đã cảm ơn sự khích lệ, nhiệt thành và hảo tâm của các đạo diễn phim, cùng với sự cộng tác của cộng đồng Công giáo địa phương.

    LHP ra đời vào tháng Hai, nằm trong nỗ lực hợp tác giữa các nữ tu dòng Phaolo và Trung tâm Công giáo Cana ở Singapore. LHP Cana bao gồm những phim dành cho trẻ em và người lớn, chủ yếu được sản xuất ở Úc, Bỉ, Ấn Độ, Indonesia, Iran, Singapore, Lithuania và Thổ Nhĩ Kỳ.

    Nguồn: VRNs

    Đọc thêm »
  • Một bộ phim Ấn Độ về vẻ đẹp đời sống các nữ tu đoạt giải thưởng cao nhất trong LHP Công giáo Quốc tế

    (CathNews.com) - Một bộ phim Ấn Độ về câu chuyện bảy nữ tu và một phụ nữ đã ly hôn đã dành giải nhất trong Liên Hoan Phim Công Giáo Quốc Tế tổ chức tại Niepokalanow gần Warsaw, Ba Lan.

    Theo một bản tin của CathNews Ấn Độ,  bộ phim Nuruguvettangal (Vẻ đẹp của ánh sáng) của Leo Thaddeus từ Kerala phía nam Ấn Độ, một trong 172 bộ phim và 40 chương trình phát thanh từ 20 quốc gia đã được nghiên cứu xem xét  kỹ lưỡng trong ba ngày liên hoan và đã kết thúc vào ngày 30/5/2010.

    Ban giám khảo ghi nhận, bộ phim 56 phút, tiếng Malayalam với phụ đề Anh ngữ về bảy nữ tu với các vấn đề phát sinh do sự quyến luyến, chán nản, bảo thủ, thành kiến, sự tham công tiếc việc, thèm muốn và sợ hãi, đã sử dụng một cường độ biểu tượng cao trong nhiếp ảnh, âm nhạc, hội thoại và công việc nghệ thuật.

    Thaddeus nói: “Tôi không muốn gán cho nó là một bộ phim Ki-tô giáo nhưng như một bộ phim nhìn sâu vào cuộc sống nữ tu viện của một nhân vật có thật”

    Bản tin nói thêm: Mặc dù chín thành viên ban giám khảo đã không tìm ra bất kì bộ phim nào thích hợp cho giải ba trong thể loại phim truyện, nhưng họ vẫn đề cập đặc biệt đến hai bộ phim của hai đạo diễn Ấn Độ. Chúng là: bộ phim mở đầu liên hoan phim với tựa đề tiếng Anh Ngày phán xét cuối cùng (The Last Appeal), một câu chuyện về thánh nữ Faustina tông đồ của lòng thương xót Chúa được cống hiến bởi cha Bala Udumala; và bộ phịm Cho Thầy Yêu Mến Của Con (To My Beloved Teacher), một bộ phim Malayalam với phụ đề Anh ngữ của một cha Dòng Sa-lê-diêng(Salesian) cha Jiji Kalavanal, cơ sở ở Kerala.

     

    Paul Minh Nhật

     

    Đọc thêm »
  • Phim “Những bức thư”: những điều chưa biết về Mẹ Têrêsa

    WHĐ (05.01.2016) – Vào ngày sinh nhật thứ 79 của ngài (17-12-2015), Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê chuẩn phép lạ để Mẹ Têrêsa Calcutta có thể được tuyên thánh. Chỉ 18 năm sau khi qua đời, “Mẹ của người nghèo” – như Thánh Gioan Phaolô II từng gọi Mẹ Têrêsa như thế–, sẽ được tôn kính trên bàn thờ.

     

    Đời sống tuyệt vời của Mẹ đã được đưa lên màn ảnh lớn nhiều lần. Tuy nhiên, “Những bức thư” lại mang đến một góc nhìn khác về Mẹ Têrêsa Calcutta: bộ phim tập trung nói về sự cô đơn của Mẹ.

    “Trong lòng, Mẹ đã trải qua một sự trống rỗng khủng khiếp. Không ai biết được nỗi cô đơn Mẹ đã cảm nhận”.

    Bộ phim phần lớn dựa trên những bức thư trao đổi giữa Mẹ Têrêsa và vị linh hướng của Mẹ là linh mục Dòng Tên Celeste Van Exem.

    “Những bức thư Mẹ viết cho thấy nỗi cô đơn Mẹ phải chịu đựng trong suốt sáu mươi năm”.

    Gần 50 năm liên lạc thư từ đã cho biết vị nữ tu nổi tiếng này đã sống những giai đoạn dài gặp khó khăn về thiêng liêng như thế nào. Những bức thư này đã được công bố trong tiến trình tôn phong chân phước cho Mẹ.

    Bộ phim đã được phát hành cách nay vài tuần với dàn diễn viên được đề cử giải Oscar và đoạt giải Quả cầu vàng.

     

    Minh Đức

    (Nguồn: WHĐ)

    Đọc thêm »
  • John Wayne, tài tử điện ảnh và việc trở lại Công giáo

    John Wayne (*) đối với nhiều người là một huyền thoại của Hollywood, người tượng trưng cho nam tính đích thực và các giá trị của người Mỹ. Dù vậy, đối với Cha Matthew Muñoz, ông chỉ đơn giản là một “người ông”.

    John Wayne, ảnh chụp năm 1959“Lúc còn nhỏ, chúng tôi thường đến nhà ông; đơn giản vì chúng tôi muốn ở với ông, chơi với ông và được vui vẻ với nhau. Một hình ảnh rất khác với điều mà hầu hết mọi người có về ông”, Cha Muñoz nói với CNA trong lần đến Rôma mới đây.

    Cha Muñoz được 14 tuổi khi ông nội của cha qua đời vì bệnh ung thư vào năm 1979. Trong suốt cuộc đời mình, “The Duke” (một trong những biệt danh của John Wayne) đã đoạt 3 giải Oscar, Huy chương Vàng Quốc hội và được Tổng thống trao tặng Huân chương Tự do sau khi qua đời. Dù vậy, trong tất cả những thành tựu đó, Cha Muñoz chỉ tự hào một điều - đó là việc người ông của Cha trở về với đức tin Công giáo.

    “Bà tôi, Josephine Wayne Sáenz, đã có một tầm ảnh hưởng tuyệt vời trên cuộc sống của tôi và là người giới thiệu tôi với thế giới Công giáo”, Cha Muñoz, 46 tuổi, là một linh mục của Giáo phận Orange ở California, cho biết.

    “Ông tôi luôn trung thành với các sự kiện và các cuộc gây quỹ của Giáo Hội mà bà tôi đã luôn lôi kéo ông, và tôi nghĩ rằng, sau một thời gian, ông có cảm nghĩ rằng quan điểm thế tục chung về người Công giáo và điều mà ông đã thực sự trải nghiệm riêng, đã trở thành hai điều hết sức khác biệt”.

    Ông bà của Cha Muñoz kết hôn vào năm 1933 và có 4 người con, người con út - Melinda - là mẹ của cha. Hai ông bà đã ly hôn về mặt dân sự vào năm 1945, dù vậy, vì là một người Công giáo, bà Josephine đã không tái hôn cho đến khi ông John Wayne qua đời. Bà cũng không bao giờ ngừng cầu nguyện cho việc trở về của chồng mình - lời cầu nguyện đã được nhậm lời vào năm 1978.

    “Ông là bạn rất thân của Đức Tổng Giám mục GP. Panama, Tomas Clavel, và Đức TGM là người khuyến khích ông và cuối cùng ông tôi nói: “OK, tôi sẵn sàng”.

    Do việc thay đổi người lãnh đạo ở Panama, Đức TGM Clavel bị trục xuất khỏi quê hương của ngài vào năm 1968. Ba năm sau, Đức Hồng y Timothy Manning, lúc đó là TGM Los Angeles, đã mời Đức TGM Clavel đến Quận Cam (Orange County), nơi ngài từng phục vụ với cương vị là mục tử cho một nửa trong số 600.000 người thuộc cộng đồng châu Mỹ Latinh thuộc Quận Cam.

    Tuy nhiên, lúc mà Wayne thỉnh cầu thì Đức TGM Clavel đã quá yếu để thực hiện chuyến đi đến tư gia của diễn viên điện ảnh này.

    Vì vậy, Đức TGM Clavel đã gọi điện cho Đức TGM McGrath” - Cha Muñoz kể - giải thích rằng Đức TGM McGrath là người kế vị Đức TGM Clavel trong Tổng Giáo phận Panama.

    “Mẹ và cậu của tôi có mặt tại đó khi ngài đến. Vì thế, không còn nghi ngờ gì về việc liệu ông của tôi có được rửa tội hay chưa. Ông muốn được rửa tội và trở thành người Công giáo” - Cha Muñoz nói - “Thật là tuyệt vời được chứng kiến ông gia nhập đức tin Công giáo và làm nhân chứng cho cả gia đình”.

    Cha Muñoz cũng nói rằng người ông của cha đã biểu lộ sự nuối tiếc vì đã không trở thành người Công giáo sớm hơn vào tuổi thanh xuân, cha giải thích rằng “đó là một cảm nghĩ ông tỏ bày trước lúc lâm chung”, ông nói rằng “vì cuộc sống bận rộn”.

    Dù vậy, trước khi trở lại Công giáo, cuộc sống của John Wayne không có tín ngưỡng.

    “Từ thời niên thiếu, ông đã có một cảm nhận tốt về điều đúng và điều sai. Ông được trưởng thành với nhiều nguyên tắc Kitô giáo và là người ‘sống đức tin Thánh Kinh’, tôi nghĩ việc đó có ảnh hưởng rất lớn đối với ông”, Cha Muñoz nói rằng ông của ngài thường viết về Đấng Tối Cao.

    “Ông viết những lá thư tình tuyệt vời gửi Thiên Chúa và đó chính là những lời cầu nguyện. Những lá thư đó có giọng điệu như trẻ con và rất đơn sơ nhưng đồng thời cũng rất ấn tượng”, cha kể.

    “Và đôi khi sự đơn sơ đó trông có vẻ ngây thơ nhưng tôi nghĩ có một sự khôn ngoan sâu xa trong sự đơn sơ của ông”.

    Cha Muñoz tóm tắt hệ thống cấp bậc giá trị của ông của ngài là “Thiên Chúa đứng hàng đầu, kế đến là gia đình, sau đó mới đến đất nước”. Đó là một bộ ba mà cha thấy được phản ánh lặp đi lặp lại nhiều lần trong các bộ phim của ông. Ông tin những giá trị đó cần thiết ở Hollywood ngày nay và nếu “Duke” còn ở đây, ông sẽ là người chỉ đạo trọng trách đó.

    “Ông tôi là một người tranh đấu. Tôi nghĩ rằng sẽ có rất nhiều điều ông cảm thấy thất vọng và buồn. Nhưng tôi không nghĩ ông sẽ mất hy vọng. Tôi nghĩ sẽ ông trông đợi thời đại hiện nay như là một thời điểm của đức tin. Mọi người đang sống trong khủng hoảng và họ đang tìm kiếm một điều gì đó có ý nghĩa hơn, chính đáng hơn”, Cha Muñoz nói.

    “Vì vậy, tôi nghĩ ông sẽ nhìn vào tình trạng ngày nay và nói “đừng nản lòng!” Tôi nghĩ ông sẽ nói là hãy nhập cuộc. Đừng trốn trong vỏ ốc và phòng thủ với Hollywood. Hãy nhập cuộc và trở thành một đại diện cho điều tốt đẹp. Tôi nghĩ rằng ông sẽ làm điều đó. Và đó là những gì ông đã từng làm lúc sinh thời”.


    Mai Trang (chuyển ngữ từ CNA/EWTN)
    ----------------------------------------------------------------

    * John Wayne có tên thật là Marion Mitchell Morrison (1907-1979), là một diễn viên điện ảnh, đạo diễn và nhà sản xuất của Mỹ. Ông là hình ảnh thu nhỏ của nam tính và trở thành một hình tượng của nước Mỹ.

    Đọc thêm »
  • Cha Thánh Damien - Tông đồ phong cùi đảo Molokai

     
    THÁNH DAMIEN
    TÔNG ĐỒ PHONG CÙI ĐẢO MOLOKAI


    1. Quần đảo Hawai

    Molokai là một trong tám hòn đảo lớn làm thành quần đảo Hawai nằm phía bắc Thái Bình Dương. Hawai là một trong 52 tiểu bang của Hoa Kỳ. Hawai rộng 16.600km2  với 1.106.000 dân. Người bản xứ là dân Polynésiens, hiện nay không tới 1,5. Đa số là người lai Nhật, dân Anglo-Saxon và Philippines. Thủ đô của Hawai la Honolulu. Quần đảo Hawai nổi tiếng về núi phun lửa và bão táp thường xuyên. Nhiều lần quần đảo còn bị thay hình đổi dạng vì vụ động đất. Xét về lịch sử, thì quần đảo được dân Polyniésiens đến sinh sống từ thế kỷ V, và người tây phương khám phá ra là đại tá Kook, năm 1778 và ông đặt tên là ‘quần đảo sanwiche’. Nhưng sau một năm, ông bị người bản xứ giết chết. Từ đó quần đảo Hawai chia thành bốn tiểu quốc có hành chánh, quân đội riêng biệt. Đến năm 1795, vua Kamehameha I thống nhất quần đảo, tổ chức hành chánh, loại trừ các nhóm cướp bể gốc Tây Ban Nha. Đến đời Kamehameha ÌII tuyên bố nền độc lập của quần đảo Hawai, nhưng vẫn chịu ảnh hưởng quân sự, kinh tế và tôn giáo của Anh và Pháp. Do đó, các nhà truyền giáo Pháp đến quần đảo từ năm 1827 và Tin lành Mormons tới năm 1850. Sau triều đại ‘độc đoán’ (absolutisme) của Kamehameha, dân chúng đòi chế độ dân chủ và xin sát nhập thành một tiểu bang của Hoa Kỳ năm 1898. Về kinh tế, tiểu bang Hawai sống bằng nghề trồng mía, cà phê, dứa, hoa và nghề đánh cá, nghề chăn nuôi và sản xuất quần áo. Riêng đảo Molokai là đảo lớn nằm giữa quần đảo Hawai, được chọn như một địa điểm giam các tù nhân trọng tội bị lưu đầy và những bệnh nhân phong cùi vào thời ‘hết thuốc chữa’ phải sống tách biệt… Chính tại đảo này mà cha Damien được sai đến làm việc tông đồ.

    2. Cha Damien trước khi đến Molokai

    Cha Joseph Damien de Veuster là người Bỉ, sinh năm 1840, lớn lên vào dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu trong tu viện Picpus tại Louvain, Bỉ, năm 1859. Cha Damien theo học tại Issy và Paris trước khi khấn trọn đời năm 1861, tiếp tục học tại đại học Louvain trong hai năm 1861-1863, và chịu chức linh mục tại Honolulu ngày 19.3.1864. Cha làm việc tông đô tại Hawai dưới quyền của Đức cha Maigret cho tới năm 1873, cha xung phong và được chấp nhận ‘đi Molokai phục vụ bệnh nhân phong cùi biệt giam’.

    3. Tình hình chung của Molokai

    Ngay những ngày đầu đến Molokai, cha Damien còn phải chứng kiến những hậu quả đau thương của vụ động đất kinh hoàng xẩy ra mấy năm trước: Hôm đó, giữa lúc linh mục đang dâng lễ, dân chúng chạy ra khỏi nhà thờ, họ bị chặn lại bởi nhiều cây to đổ xuống đường. Nhiều ngôi nhà bị tan nát. Chính thánh đường cũng hư hại… người ta tưởng như ngày tận thế đã đên nơi rồi…, nữ thần núi lửa lên cơn giận… Những ai có phương tiện, họ tìm cách trốn khỏi đảo Molokai… Chỉ một cơn lốc thổi dến ngày 17.11.1874 đã phá hủy 25 căn nhà, gây đổ nát 50 căn nhà khác, người ta ước lượng thiệt hại 5.000 USD… Chính Đức cha Maigret khi đến thăm Molokai đã rưng rưng nước mắt và thốt lên ‘Họ đã chết, tất cả họ đã tử đạo !’.

    Thời gian đầu, chính quyền còn thù nghịch với tôn giáo, họ không muốn cho các thừa sai Công giáo hay Tin lành đặt chân lên đảo Molokai, vịn lý do ‘bệnh phong cùi nguy hiểm phải tuyệt đối tách biệt bệnh nhân ra để tránh lây nhiễm’. Do đó, các trại phong cùi trở thành nơi không có luật pháp và không có đức tin, bệnh nhân sống lẫn lộn nam nữ, dưới màn trời chiếu đất, không được ai giúp đỡ khi hấp hối… Hơn thế, đây là nơi thường xuyên xẩy ra nhiều chuyện vô luân… Nhờ nhiều lần vận động bên các chính phủ Pháp, Anh, Hoa Kỳ, các Giáo Hội mới có thể gửi các thừa sai đến làm việc tại các trại phong cùi biệt giam Molokai…

    4. Đặt chân lên đảo Molokai

    Cùng đến đảo Molokai với cha Damien và ba cha truyền giáo dòng Thánh Tâm, Đức cha Maigret tiếp xúc với giáo dân sau thánh lễ tại nhà thờ thánh Philomena đổ nát. Ngài hỏi dân chúng: «Ông bà muốn bày tỏ gì không?». Họ thưa : « Chúng con ở đây được chính phủ quan tâm nhiều, chúng con chỉ còn thiếu một sự là ‘thiếu sự hiện diện của một linh mục’». Đức cha trả lời : «Đúng rồi, đây cha Damien, cha sẵn sàng đến đây hy sinh cuộc sống vì phần rỗi linh hồn của anh chị em. Nhưng hiện giờ, cha chưa có nhà ở. Trong thời gian chờ đợi chúng tôi tìm kiếm, tôi xin cha hãy tạm ngủ dưới đất, ngoài trời. Bóng cây Pandanus này sẽ che chở cha Damien». Đức cha nói thêm: «Linh mục thì luôn để tuỳ bề trên chỉ định. Nhưng một điều chắc chắn là chúng tôi sẽ không bỏ rơi anh chị em, khi sống cũng như khi chết»… Giờ từ biệt đã đến, cha Damien xúc động, giáo dân òa lên khóc, Đức cha không cầm nổi nước mắt, yên lặng ban phép lành cho giáo dân bệnh tật… Giáo dân đến vây quanh vị chủ chăn trẻ trung, đầy nghị lực… Vì phải giữ ‘luật tách biệt’ nên cha Damien không dám ngủ trong nhà ngủ của bệnh nhân, cha ngủ ngoài trời dưới gốc cây Pandanus… dưới sự phù trì của thánh nữ Philomena… Báo Pacific Commercial Advertiser đăng tải bài của ký giả Walter Murray Gibson: ‘Cha Damien, anh hùng Kitô’.

    5. Cắt nghĩa cho gia đình

    Mặc dầu được nâng đỡ nhiều bởi gia đình trong nhịp sống ơn gọi ‘tu sĩ dòng thừa sai Thánh Tâm’, lần này cha Damien phải cắt nghĩa làm sao để gia đình đồng tình với cha trong sự lựa chọn ‘xung phong đi truyền giáo cho những bệnh nhân phong cùi biệt giam ở đảo Molokai’. Cha cầu nguyện với Thánh Tâm Chúa Giêsu và thánh nữ Philomena mà cha hằng tôn kính, rồi cha nhờ ông chú của cha là linh mục Jacob, vừa là cha sở xứ Werchter vừa là tuyên úy nhà thương phong cùi, cắt nghĩa với gia đình để ba mẹ và anh chị em khỏi xao xuyến. Ngày 25.11.1873, cha đã viết thư cho gia đình, cha không nói gì đến những khó khăn đang làm cha ‘nhức đầu’, mà chỉ nói chung về tình trạng sức khoẻ, việc làm và vấn đề ăn uống… Cha kể: ‘Cha có một ông nấu cơm, cha vẫn dùng cà phê, sữa bò, ăn thịt cá, ăn cơm hoặc bánh… mọi sự bình thường. Cha vẫn giữ ký, không gầy đi không béo thêm, và vẫn mang đôi kiếng của gia đình cho… Cha kết luận ‘mọi sự nhờ ơn Chúa đều tốt đẹp’…

    6. Chương trình sống:

    Cha Damien đã nộp cho đức cha Maigret thời khóa biểu ‘một ngày sống’ của cha như sau:

    • 5g00: thức dậy, dâng ngày, tắm rửa, thay đồ sạch sẽ.
    • 5g15: ra nhà thờ đọc sách nguyện, nguyện ngắm.
    • 6g00: đọc kinh sáng với giáo dân.
    • 6g30: dâng thánh lễ.
    • 7g00: dọn trật tự phòng áo, làm vệ sinh nhà thờ;
    • 8g00: ăn sáng, làm việc…
    • 11g30: đọc sách thiêng liêng.
    • 12g00: cơm trưa, đi thăm bệnh nhân (nếu gần thì đi bộ, nếu xa đi bằng ngựa).
    • 17g00: kinh chiều, giáo lý dự tòng.
    • 18g00: Cơm chiều, làm việc…
    • 19g00: Kinh tối, lần chuỗi… làm việc, đọc sách…
    • 22g00: đi ngủ.
    Những điều cha Damien cố gắng thực hiện trong đời sống mỗi ngày:
    • Không bận tâm quá về đời sống vật chất của bệnh nhân.
    • Không xen vào những công việc của các nhân viên dân sự, trừ những trường hợp khẩn cấp và đặc biệt, chỉ nói với trưởng ban hành sự (surintendant).
    • Cố giữ trật tự và sạch sẽ phòng thánh, nhà thờ, nhà ở.
    • Luôn ăn mặc chỉnh tề: phải dung hòa giữa sạch sẽ và khó nghèo.
    • Luôn niềm nở và thân tình với mọi người trong khi trò chuyện, nhưng không thái quá, và tránh ‘những câu chuyện mất giờ và vô bổ’.
    • Giữ vững việc kiểm điểm đời sống, hối cải và cố gắng sửa chữa mọi lỗi lầm.
    • Phải nghiêm nhặt với chính mình và khoan dung với người khác.
    • Phải kính cẩn khi đọc kinh, nguyện gẫm, dâng thánh lễ và cử hành bí tích hoặc các lễ nghi phụng vụ.
    • Cố sống trung thành ba lời khấn phúc âm: Vâng lời, Khiết tịnh và Khó nghèo.
    • Phải tự kỷ ám thị: ‘Tôi ước ao sống và chết với Đức Kitô’ (Dissolvi et esse cum Christo).
    7. Công việc tay chân

    Với chương trình sống như trên, cha Damien đảm đang mọi công việc liên hệ đến sứ mệnh truyền giáo, mà trước mắt là xây lại nhà thờ. Mặc dầu năm 1875, chính quyền gửi tới một nhóm người Trung Hoa xây cất lại nhà cửa cho dân chúng trong trại cùi. Nhưng nhà thờ thì chính cha Damien phải quán xuyến ‘kiếm tiền, mua vật liệu và tự lo xây cất’. Chỉ mấy tháng sau khi cha đến đảo, nhà thờ trở nên quá bé nhỏ. Ngày chủ nhật giáo dân đứng ngồi chen chúc, tràn cả ra ngoài. Vì thế được phép Đức cha Maigret, cha Damien tìm cách nới rộng nhà thờ, và từ đó nhà thờ nhận thánh Philomena làm quan thày. Nhiều lần cha Damien không thể từ chối đến giúp sửa nhà, sửa phòng cho các bệnh nhân. Họ què quặt tay chân, không thể làm việc như ý muốn. Đợi nhân viên nhà nước tới thì đôi khi quá muộn màng. Theo quan điểm của cha, ‘nhà truyền giáo phải trở thành con người lo toan mọi việc’ (homme à tout faire).

    8. Những khó khăn
    • Cấm tiếp xúc trực tiếp: Chính quyền không cho các nhà truỳền giáo, Tin lành hay Công giáo tiếp xúc trực tiếp với các bệnh nhân. Các ngài phải giữ ‘luật cách biệt’ (lois sur la ségrégation). Đây là điểm cha Damien không muốn chấp nhận, vì phải tiếp xúc gần kề mới hiểu được bệnh nhân, mới làm cho họ cảm thấy có sự yên ủi, và do đó mới ‘đem đức tin và tình yêu của Chúa đến cho họ được’. Nếu không đạt được điểm này thì ‘sự hiện diện và sinh hoạt của nhà truyền giáo không còn ý nghĩa. Nhà truyền giáo khác với một công chức’. Ông Trousseau, một bác sĩ người pháp đồng quan điểm với cha Damien. Theo ông, trong các nước văn minh, các bác sĩ và nhà truyền giáo không buộc phải giữ luật tách biệt. Những nhà truyền giáo cũng được hưởng các ưu biệt dành cho các bác sĩ. Chính quyền hiểu điều đó, nhưng họ không muốn tạo thêm các tiền lệ. Họ thường bảo: ‘Nếu cha Damien là một Kitô hữu anh hùng thì cha phải chấp nhận các luật pháp của chính quyền’. Chính Đức cha Maigret đã nhắc cha Damien ngay buổi đầu đến đảo: «Đừng tiếp xúc thể lý để tránh sự lây nhiễm» (pas de contact physique, pas de contamination). Tiếp xúc thể lý như bắt tay, cúi mình đeo giây ảnh vào cổ cho bệnh nhân…
    • Với anh em cùng hội dòng: Nhiều linh mục truyền giáo dòng Thánh Tâm mà Đức cha sai đến phụ tá cha Damien, không đồng ý với đường lối của ngài. Đặc biệt với cha André trong việc xây cất nhà thờ, thăm viếng và tiếp xúc với các bệnh nhân, việc giữ luật ‘cách biệt’… cụ thể là việc giải tội, việc tổ chức kiệu Thánh Thể trong trại phong cùi, việc chứng hôn phối … Vào quãng năm 1880, André đã làm gương xấu lớn ngay tại trại phong cùi là ‘sống chung với một cô cựu học sinh của trường tu viện Picpus’ nên bề trên phải thuyên chuyển đi khỏi đảo…
    • Với các nhà truyền giáo Tin lành: đặc biệt nhóm truyền giáo Mormons. Tuy đến đảo Molokai sau các nhà truyền giáo Công giáo, nhưng họ được sự hỗ trợ đặc biệt của chính quyền Anh và Hoa Kỳ. Hầu hết các công chức lớn hay các bác sĩ là những người Tin lành. Hơn thế công việc mục vụ của họ đơn giản hơn, vì không có những việc cử hành bí tích, dâng lễ mỗi ngày hay lần hạt, kiệu Thánh Thể… nên việc giữ luật cách biệt dễ dàng hơn. Đây là điểm họ hay khiếu nại với chính quyền vì thấy cha Damien được lòng dân chúng hơn…
    9. Hoạt động mục vụ
    • Giáo lý dự tòng: Ngay ngày 20.5.1973, cha Damien đã báo cáo cho cha Meyer linh mục kinh lược của dòng: ‘Con có nhiều tin cảm động về họ đạo của con tại đảo, và để cha biết việc làm của con ở đây: Con đã có danh sách 210 giáo dân bệnh hoạn, 20 dự tòng và 20 giáo dân ‘không bệnh tật’ (tức các tù nhân lưu đầy). Người ta còn cho biết địa điểm khác trên đảo là vùng Kahavai, có nhiều giáo dân. Người ta xưng tội rất nhiều. Con không giúp hết được những người hấp hối mỗi ngày, chỉ biết phó thác cho Chúa… xin cho con một số ý lễ và một số sách kinh để phát cho giáo dân…». Mấy tháng sau cha Damien cho biết ‘cha đã rửa tội cho 35 người lớn, trong đó 5 người đã từ trần’. Năm 1877, Đức cha Maigret lại kinh lý đảo Molokai và ban phép Thêm sức cho hơn 100 người tân tòng.
    • Thăm viếng các bệnh nhân: Như được ghi trong chương trình sống mỗi ngày: cha Damien đi thăm bệnh nhân mỗi buổi chiều, cha đi thăm từng trại, từng khu nhà ở, nhà ăn của các bệnh nhân. Nói chuyện thân mật với họ, hỏi thăm về gia đình, về nhu cầu thiêng liêng của họ… Nhiều lần cha bị chính quyền và ban y tế khuyến cáo, cũng như các nhóm truyền giáo Tin lành ganh tị, và các linh mục truyền giáo dòng Thánh Tâm phản đối.
    • Lo cho các bệnh nhân hấp hối: Cha Damien quan tâm nhiều đến các bệnh nhân hấp hối. Hơn thế, có những trường hợp một mình cha lo từ A đến Z. Như ngày 31.01.1880, cha đến tận giường một nữ bệnh nhân hấp hối, cho bà rước lễ ‘như của ăn đàng’, giúp bà chết lành, rồi tự tay đóng quan tài và đào huyệt an táng bà… Sau đó, cha viết thư cho linh mục Pamphile, anh của cha, như sau: «Như vậy, em đã sống bảy năm giữa môi trường phong cùi. Trong thời gian này, em đã có dịp tiếp cận và đụng đến sự khốn cùng của những con người xấu số đáng thương…». Nhiều người chết không có quan tài, đành bó vải liệm xác và đem đi chôn… Đất ở đảo Molokai rất khô rắn, cha phải hì hục nhiều giờ mới đào được một cái huyệt…
    • Chấp nhận sự hôi hám nồng nặc: Trong một lá thư viết cho người anh là cha Pamphile, cha Damien thổ lộ : «Mặc dầu nhờ ơn Chúa và Đức Mẹ, em chưa phải là người phong cùi, nhưng em đã là phong cùi giữa những người phong cùi. Vì em đã tập quen chấp nhận họ: Mỗi ngày lễ trọng, em đứng trên bàn thờ và mùi hôi thối xông lên, làm em nghĩ đến mồ của ông Lazarô. Mỗi lần em ngồi tòa, mùi hôi từ các vết thương lở loét xông ra làm em lợm mửa. Có lúc em phải bịt mũi lại. Cũng như vậy, mỗi lần em ban phép xức dầu cho một bệnh nhân…»
    • Những công việc khác: Cha tập hát cho bệnh nhân, thành lập ca đoàn, một nhóm chơi các nhạc cụ đơn giản… Cha xin hoặc mua sách báo về phát cho giáo dân như Book of Common Prayers. Cha góp phần vận động xin các nữ tu bệnh viện đến làm việc tại nhà thương trên đảo Molokai. Các nữ tu đã nhận việc từ 08.11.1883.
    • Vận động lòng kính trọng các bệnh nhân phong cùi: Ngay khi đến các trại cùi biệt giam ở Molokai, cha Damien cũng như nhiều bác sĩ khác có chung một cảm nghĩ ‘Molokai là hòn đảo vô nhân đạo’. Vì thế cha tìm mọi dịp, dùng mọi phương thế đề cao giá trị nhân bản của các bệnh nhân. Cha không ngần ngại trình bày điều đó với các bề trên dòng, với các quan chức cao cấp có trách nhiệm hay chỉ vãng lai đến đảo. Phải chăng nhờ đó mà công chúa Lilituokalani một hôm đã khẳng định trước mọi người: ‘Phong cùi là chứng bệnh chứ không phải là tội phạm. Vì thế không thể vứt người phong cùi, dù đã chết, xuống biển khơi như vứt một con chó chết’. Những lời này đã được in ra và dán khắp nơi trên đảo.

    10. Cha Damien được ân thưởng và ái mộ khắp nơi. Cuối tháng 6.1881, Đức cha Kockeman, tân giám mục phó của Hawai đã đem trao tận tay cha Damien lá thư của công chúa Liliuokalani. Trong đó, công chúa bày tỏ: ‘Tôi vui mừng bày tỏ cùng cha lòng kính ái của tôi về những công trình anh hùng và vô vị lợi của cha giữa những người xấu số nhất trong vương quốc này, tôi muốn tuyên chứng công khai về sự tận tâm trung tín, nhẫn nại và khả ái mà cha đã quan tâm lo lắng về cả thể xác và tinh thần cho những người bị xa cách gia đình và bạn hữu của họ chỉ vì một chứng bệnh nan y, nguy hiểm. Ý thức rằng lòng tận tụy và hy sinh muốn giúp đỡ những người khổ đau của cha thật đáng được Đức Thánh Cha và Thiên Chúa của mọi người ân thưởng. Dầu vậy, tôi cũng xin cha vui nhận huy chương ‘Hiệp Sĩ Thượng Đẳng’ của Vương quốc Kalakaua như một tuyên chứng công trình tông đồ và bác ái của cha. Chính mắt tôi đã chứng kiến công việc của cha trong dịp thăm viếng Sở Truyền giáo của cha mới đây…”. Hai tờ báo Pacific Commercial Advertiser và Hawaiian Gazette đã đăng nhiều bài khen ngợi cha Damien;

    11. Cha Damien bị nhiễm bệnh phong cùi

    • Bị nhiễm bệnh thật sự. Ngày 25. 02.1885, cha Damien viết cho Đức cha Kockemann như sau: «Thưa đức cha, có thể con không sống bao lâu nữa. Chân con sưng lên và không chữa nổi, cho dù vết thương đã thành sẹo. Các đường gân sưng phồng lên và đau đớn lắm. Con không thể nào di chuyển nữa, con cũng không thể bỏ xa 600 bệnh nhân phong cùi Công giáo, nhiều người chết không có linh mục… Quả thật, con bị nhiễm chứng bệnh ghê sợ, phải nhìn nhận sự chết đang tiến gần lại với con… Con không bận tâm về thân xác, nhưng bận tâm về linh hồn con. Xin đức cha cho con một cha giải tội tốt lành…». Đức giám mục và nhiều quan chức và bác sĩ đến thăm cha Damien… đặc biệt vào ngày 07.10.1885 kỷ niệm cha khấn trọn đời được 27 năm. Nhưng kể từ 10.02.1886, cha Fouesnel bề trên tỉnh dòng xin cha Damien ra sống riêng hẳn trong một phòng và không được tiếp xúc với bất cứ ai… Ngài hy vọng cha Damien sẽ được chữa lành. Theo kết quả khám nghiệm của hai bác sĩ Arning và Mouritz, thì có lẽ cha Damien đã biết mình bị lây nhiễm từ 1877, vì năm đó, cha đã viết cho Ban y tế lời lẽ như sau: «Tôi đã hy sinh sức khoẻ và tất cả mọi sự tôi có trên trần gian, vậy xin quý vị hãy tin tưởng…’. Và ngày 30.4.1886, cha Damien được chính thức ghi danh vào sổ những người bị bệnh phong cùi. 
    • Thời gian chữa bệnh tại Honolulu. Tháng 7.1886 do lời yêu cầu của thủ tướng, cha Damien được đưa về chữa bệnh tại thủ đô Hawai, và mẹ bề trên Marianne nhận chăm sóc cha. Nhiều quan khách đạo đời đã đến đón tiếp và thăm hỏi cha Damien đến nỗi nhiều người gọi đó là ‘cuộc vinh thắng tại Honolulu’ (Triomphe à Honolulu).' Ít lâu sau, cha bề trên Albert cho cha Damien hay: ‘Cha sẽ trở lại Molokai như cha mong ước, ở đó cha sẽ được điều trị theo phương pháp mới của Nhật Bản. Ngoài ra cứ hai tháng một lần, cha Colomban sẽ đến thăm cha’.
    • Trở lại Molokai: Trước ngày xuống tàu về đảo Molokai, cha Damien được đức cha Korkermann báo cho biết một tin vui: “Do sự quan phòng của Chúa, ông Dutton cựu quân nhân, sẽ đến Molokai phụ tá cha để thể hiện những chương trình như cha muốn. Ông đến Molokai làm việc cách khiêm tốn như một hối nhân (penitent)”. Chương trình của cha Damien là xây nghĩa trang Kalawao, xây nhà sưởi, phòng ăn, phòng tắm và nhà bếp, xây hai nhà ngủ lớn một cho nam, một cho nữ. Và ngày 25. 08. cha Damien viết cho các bạn thừa sai: “Cám ơn Chúa, tôi còn đứng được và tiếp tục làm việc”… Lần khác cha viết: “Phương pháp chữa bệnh của Nhật Bản xem ra có hiệu quả, tôi cảm thấy được thuyên giàm…”.

    12. Cha Damien từ trần

    • Tin sai của nhà báo: Nhưng chẳng bao lâu, một ký giả lấy tin sai từ mấy cô y tá đến làm việc tại Molokai, và báo Courrier de Bruxelles đăng tải một tin vịt: ‘Cha Damien đã từ trần ngày 21.10.1886’. Sự thực cha Damien vẫn còn tỉnh táo. Ngày 19.3.1889, là ngày kỷ niệm cha Damien đến đảo đúng 25 năm tròn. Nhưng vì cha đã vào sổ ‘bệnh nhân biệt giam’ nên chỉ có mẹ Judith và nữ tu Marie-Laurent đem hoa đến chúc mừng và ông Dutton cùng dùng bữa với cha.
    • Bệnh trở nên trầm trọng: Theo lời kể của ông Sinnett, ba hôm sau cha Damien chọn nằm dưới đất, trên rơm rạ, như một người bệnh cùi tầm thường nhất, nghèo nàn nhất. Sáng ngày hôm sau, ngài nói với ông Dutton, “Tôi đã dâng hiến tất cả cho Thiên Chúa, tôi chết nghèo, tôi chẳng có gì cho tôi…” Người ta phải năn nỉ mãi ngài mới chịu lên giường, nhưng ôi, cha đã cho đi hết rồi, cho không có một tấm vải trải giường hay một bộ đồ để thay… Ngày 30.3, cha Conrardy xin bác sĩ Swif đến thăm cha Damien. Cha từ chối không ăn gì cả. Cha bị sốt tới 39 độ. Sau trưa cha xin cha Wendelin đến giải tội chung và giúp cha đi vào cơn hấp hối. Cha Wendelin cho cha rước lễ. Ngài kể lại rằng: ‘Hôm đó cha Damien vui vẻ khác thường. Cha bảo tôi ‘cha xem tay tôi trắng lại, các vết thương khép lại rồi, chỉ còn khuỷu tay hơi đen. Tôi ước ao gặp đức giám mục một lần nữa, nhưng Thiên Chúa nhân lành gọi tôi về cử hành lễ Vượt Qua với Ngài. Ngợi khen Chúa nhân lành. Chúa nhân hậu làm sao, Chúa cho tôi hai linh mục thánh thiện giúp tôi trong giờ sau hết của đời sống, rồi cả các nữ tu Bác Ái ở bệnh viện cũng cầu nguyện cho tôi. Bây giờ là ‘nunc dimittis’ của tôi… ». Tôi thưa với cha Damien: «Trên trời, xin cha đừng quên những người cha bỏ lại mồ côi ». Cha Damien trả lời : «Nếu tôi có chút công phúc gì ở bên Chúa, tôi sẽ xin Chúa chuyển ban cho tất cả các bệnh nhân phong cùi... » Tôi lấy một áo măng-tô quàng cho cha Damien và xin cha chúc lành cho tôi… ».
    • Tử đạo vì bác ái: Những ngày kế tiếp, cha Damien lúc tỉnh lúc mê. Bác sĩ Swif quen cho cha uống Whisky toddy để ngài hồi lại. Ngày 08. 04. 1889, đức cha Korkmann viết cho cha bề trên cả dòng Thánh Tâm : «Có lẽ cha đáng kính Damien sẽ chết vào giờ cha mong ước. Tôi hy vọng sẽ thăm lại vị tử đạo bác ái này sau lễ Phục Sinh. Cha đã thanh thỏa mọi điều chúng ta mong ước. Quỹ bác ái của cha còn 37.000 đola. Tôi sẽ cho người kế vị cha Damien được toàn quyền sử dụng số tiền này cho trại phong cùi… Khi nào cha Damien qua đời, chúng tôi sẽ tổ chức lễ an táng trọng thể cho cha ».
    • Đến và đi vào cùng ngày chủ nhật lễ Lá: Chúa nhật lễ Lá, 14.4.1889, cha Damien trở bệnh. Cha Wendelin cho cha rước lễ lần cuối. Bác sĩ Swif cho cha uống Whisky toddy, nhưng vô hiệu. Cha Damien vào hôn mê… Cha Wendelin, các nữ tu và bác sĩ Swif, ông Dutton và ông Sinnet quỳ quanh giường cầu nguyện cho cha Damien… Cha tắt thở nhẹ nhàng, và ông Dutton nói: “Cha đã được như lòng mong ước, cha đến đảo vào chủ nhật lễ Lá, cha cũng ra đi vào chủ nhật lễ Lá’. Thực ra cha Damien ra đi sáng thứ hai Tuần Thánh, 15.4.1889. Cha Wendelin tuyên bố: “Tôi nhìn thấy cha Damien thật can đảm, đôi mắt sáng tỏa sự chấp nhận, niềm vui và hài lòng. Môi cha không nói rõ ràng những điều lòng cha muốn bày tỏ, cha nắm chặt tay tôi cách thân tình”.
    • Đám tang trọng thể: Tin cha Damien từ trần được các báo chí loan truyền mau lẹ. Nhiều chương trình xây cất theo phương án của cha chưa được hoàn tất. Nhà thờ thánh Philomena mới gỡ mái, chưa lợp lại, nhà tạm lộng lẫy do ông Hudson dâng cúng chưa đưa về… Tất cả mọi cơ sở của chính quyền hay tư nhân đều treo cờ tang. Mẹ Marianne và nữ tu Vincent phụ với cha Wendelin tổ chức lễ an táng. Những bệnh nhân tương đối còn khoẻ mạnh đều đến tham dự, có ban kèn đồng, có nữ sinh ký túc xá thắt dây lưng đen, có các em nam nhà mồ côi… Cha Wendelin chủ sự thánh lễ, đoàn rước xác gồm: Một người vác cây Thánh giá lớn, ban kèn trống, thành viên các hội đoàn, các nữ tu và các bệnh nhân, đoàn thanh nữ. Linh cữu do tám người phong cùi da trắng khiêng, đại diện cho người Anh, Balan, Ái Nhĩ Lan và Hoa Kỳ. Theo linh cữu là cha Wendelin, cha Conrardy và các bệnh nhân nam… Huyệt an táng cha Damien được đào dưới gốc cây Pandanus, xây và gắn xi măng vững chắc…
    • Sau khi cha Damien qua đời: Nhiều người cho rằng ‘cha Damien quá dấn thân, không giữ mình đủ… Bằng không cha còn sống phục vụ dân nghèo…’. Tuy nhiên mọi người, chính quyền và giáo quyền đều đồng tâm ‘tiếp nối công trình nhân đạo của cha Damien’. Một thánh lễ ‘Requiem’ được cử hành trọng thể tại nhà thờ chính tòa Honolulu. Trong bài giảng đức cha Kockermann nhấn mạnh đến tinh thần tông đồ và bác ái của cha Damien, cha xứng đáng mang tước hiệu là ‘anh hùng và tử đạo vì bác ái’. Cha không làm mất lòng ai, cha chỉ muốn theo chân Chúa Kitô, phục vụ mọi người bằng gương sáng…
    • Trên đường vinh quang: Ngày 27.01.1936, xác cha Damien được bốc lên, đem về Honolulu, rồi  đem về Bỉ an táng trong nhà thờ của tu viện Picpus, hai tay chắp lại hướng về Hawai… Cha được phong Chân phước năm 1995 bởi Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II và tôn vinh Hiển Thánh ngày 21.10.2009 bởi Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI.
     
    Mai Đức Vinh
    Đọc thêm »
  • Lần đầu tiên cuộc đời thánh Augustinô được đưa lên màn ảnh rộng

    Xem phim "Trái tim không nghỉ yên"

    “Trái tim không nghỉ yên” (Restless heart), một bộ phim về một vị giáo phụ, giám mục, và nhà thần học nổi tiếng, thánh Augustinô thành Hippo, đang được trình chiếu tại các rạp được tài trợ trên khắp nước Mỹ.

    Ông Mark Brumley, giám đốc phát hành phim Ignatius Press phát biểu: “Chúng tôi rất vui mừng đưa “Trái tim không nghỉ yên” lên màn ảnh rộng. Câu chuyện của Thánh Augustinô thật lôi cuốn, hấp dẫn và các tác phẩm của ngài thuộc hàng những tác phẩm được tôn trọng nhất trên thế giới, cả đến ngày nay”.

    Bộ phim với chi phí 20 triệu đôla do Christian Duguay đạo diễn. Diễn viên đóng vai Augustine là Alessandro Preziosi, diễn viên Monica Guerritore đóng vai Monica.

    Thánh Augustinô là tác giả của nhiều bài giảng và tác phẩm lớn, trong đó có “Tự thú”, một tác phẩm nổi tiếng viết về thời thơ ấu và cuộc sống của ngài khi là một học giả và giám mục vào thời đế quốc Roma, thế kỷ thứ tư. Tác phẩm mô tả về những tội lỗi và cuộc hoán cải của ngài đã đem lại nguồn cảm hứng cho những người khác trong nhiều thế kỷ.

    Brumley cho biết bộ phim là “câu chuyện cảm động nhất về việc hoán cải và hòa giải từng được đưa lên màn ảnh rộng”.

    (Theo CNA)

    Đọc thêm »
  • Về bộ phim "Cơn cám dỗ cuối cùng của Đức Giêsu"

    Hỏi: Thưa Cha, ngoài cuốn tiểu thuyết "Da Vinci code", vài năm trước đây con có biết một cuốn phim được hình thành để chống báng Đức Giêsu. Con không có đi xem nhưng nghe nói tác giả cũng cho Đức Giêsu lấy bà Mađalêna làm vợ. Nếu được, xin Cha giải thích thêm về cuốn phim trên. (Huyền, France).

    Linh mục Theophile trả lời:

    Cuốn phim chị nêu trong câu hỏi có tựa đề: "Cơn cám dỗ cuối cùng của Đức Giêsu", do ông Martin Scorcese làm đạo diễn. Đức Giêsu là một trong những nhân vật lịch sử  được nhiều người nói đến. Có những người bênh vực, cũng có những người chống đối, bôi nhọ.

    Thật vậy, dù được yêu hay bị ghét, nhân vật Giêsu ít để ai có thể lãnh đạm. Vì thế, vào năm 1955, tác giả Nikos Kazantzaki xuất bản một tiểu thuyết nhan đề "Cơn cám dỗ cuối cùng của Đức Giêsu". Cuốn sách ra đời đã gặp phải nhiều phản ứng chống đối dữ dội. Năm 1988, đạo diễn Martin Scorcese lại đưa tác phẩm đó lên màn ảnh. Và một lần nữa, một làn sóng phản ứng lại nổi lên chống đối. Martin Scorcese đã biện hộ: "Phim được thực hiện không phải để làm mất đi hình ảnh thiêng liêng của Đức Kitô. Đối với tôi, đến với Đức Giêsu là một hành động của niềm tin. Nhưng tôi đi từ tiểu thuyết chứ không đi từ Tin Mừng, bởi vì cách tiếp cận của Nikos Kazantzaki làm tôi thích thú. Đó là khám phá ra phần nhân tính của Đức Kitô bởi những phương tiện cũng hoàn toàn nhân loại như tâm lý học và trí tưởng tượng".

    Cuốn sách cũng đã được dịch giả Bích Phượng dịch ra Việt ngữ do nhà xuất bản Đồng Nai xuất bản năm 1988.

    Chúng ta chủ ý tìm hiểu xem tại sao cuốn sách và cuốn phim đó bị những làn sóng chống đối đến từ những người Kitô hữu.

    1. Nikos Kazantzaki là ai?

    Nikos Kazantzaki (Kasantzakis) gốc người Hy Lạp, sinh tại Candie, thuộc xứ Crète vào năm 1883 và qua đời tại Fribourg en Brisgau (Đức) năm 1957. Ông học Luật tại thành Athènes, học triết tại Paris, và một thời dấn thân vào chính trị.

    Ông viết sách, biên soạn kịch: kịch Nicéphore Phocar năm 1927; kịch Ulysse năm 1928; anh hùng ca Odysée năm 1938; Alexis Zorba năm 1954; Cám dỗ cuối cùng của Đức Giêsu năm 1955. Ngoài ra còn có cuốn Người nghèo thành Assise về thánh Phanxicô khó khăn… Về triết học, Nikos Kazantzaki cũng có những biên soạn về Nietzche và Bergson.

    Nikos Kazantzaki có một cuộc sống đi tìm dò triết học và thiêng liêng day dứt. Theo chính lời tác giả đã một lần cho biết khuôn mặt Đức Giêsu luôn luôn quyến rũ ông thâm sâu.

    2. Tóm tắt nội dung cuốn truyện

    Khi phát hành cuốn truyện Cơn cám dỗ cuối cùng của Đức Giêsu năm 1955, Nikos Kazantzaki cho đó như lời chứng riêng biệt. Trong lời tựa, tác giả trình bày như sau: "Cuốn sách này không phải là một cuốn tiểu sử. Đây là lời tuyên xưng của một người chiến đấu. Khi xuất bản nó, tôi đã hoàn thành nghĩa vụ. Đó là nghĩa vụ một người đã nhiều lần vật lộn, đã nhiều lần day dứt trong cuộc sống và đã nhiều lần hy vọng. Tôi tin rằng mỗi một người tự do đọc cuốn sách này với tình yêu thương và từ đó còn yêu thương Đức Kitô hơn bao giờ hết".

    Những cơn cám dỗ trong nội tâm Đức Giêsu được tác giả trình bày từ khoảng giữa cuốn sách, nơi chương 17 đến chương 33. Trong cám dỗ thứ nhất, có một con rắn hiện ra với cặp mắt và bộ ngực người phụ nữ. Đó là cám dỗ ao ước có được một cuộc sống bình thường. Con rắn mắng nhiếc Đức Giêsu và gợi ý người cần Đức Giêsu cứu vớt chính là Maria Mađalêna chứ không phải trần gian. Tâm tư Đức Giêsu dao động với cuộc sống an lành, hạnh phúc của một cuộc sống rất bình thường. Con rắn muốn Đức Giêsu rút lui trước sứ mạng, nhưng nó đã không thành công.

    Cơn cám dỗ thứ hai với cám dỗ đến từ con sư tử. Nếu con rắn cám dỗ sự ham muốn nơi con người đàn ông với người phụ nữ và cuộc sống an nhàn hạnh phúc, thì con sư tử cám dỗ chính bản thân con người. Sư tử biểu tượng quyền hành và đưa tới cái ao ước được "cưới thế giới".

    Cơn cám dỗ thứ ba là cám dỗ thống trị thế giới với hình ảnh vị Tổng lãnh Thiên Thần rực chói. Cám dỗ đòi các vinh quang dành cho thần tính Đức Giêsu và kiêu ngạo ỷ mình. Dù bị xua đuổi nhưng Lucifer thề nguyền sẽ trở lại vào dịp lễ "Vượt qua".

    Từ đó, Nikos Kazantzaki tưởng tượng thử thách cuối cùng đến với Đức Giêsu trên thập giá. Tác giả viết cơn cám dỗ cuối cùng từ chương 30 đến chương 33. Trên thập giá, Đức Giêsu đã ngất lịm trong cơn hấp hối, nhưng vẫn đi vào một giấc mơ có được một cuộc sống êm ả với vợ con như mọi người. Thương Khó chỉ là một giấc mơ, và Đức Giêsu có thể lập nên một gia đình với Maria Mađalêna, và sau đó là với Matta và Maria.

    Hư cấu câu chuyện cũng làm đổi đi một vài đoạn Tân Ước. Vì thế, trong sách truyện có một đoạn nói về ông Phaolô rao giảng về cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu. Nhưng Đức Giêsu lại cố gắng cho Phaolô hiểu những điều đó không thể nào xảy ra và tất cả chỉ là điều dối trá. Phaolô trả lời: "Trong sự thối nát, bất công và nghèo đói của đời này. Đức Giêsu bị đóng đinh, Đức Giêsu sống lại là điều an ủi duy nhất và quý hiếm cho con người lương thiện và bị đọa đày. Giả dối hay sự thật, không quan trọng. Chỉ cần thế giới được cứu độ".

    Chương cuối cùng cuốn tiểu thuyết trình bày Đức Giêsu dưới hình ảnh một ông già tìm gặp lại các môn đệ. Cuộc đối thoại xảy ra giữa thầy trò thật nặng nề và hung hăng. Đức Giêsu bị trách cứ hèn nhát và phản bội… cho đến lúc Đức Giêsu nghe tiếng kêu là Ngài không hèn nhát, không phản bội. Lúc đó Ngài thật sự bị đóng đinh trên thập giá và trung thành cho đến cùng. Cơn cám dỗ đến nhưng đã đi. Các môn đệ sống và phát triển. Họ ra đi rao giảng Tin Mừng. Đức Giêsu kêu lên: Mọi sự đã hoàn tất.

    Nikos Kazantzaki chấp nhận Đức Giêsu đã trung thành cho đến chết như lời tác giả bạch lộ trong lời tựa: "Ngài không phải là kẻ phản bội… Ngài không phải là kẻ đào ngũ. Ngài đã hoàn thành nhiệm vụ Thượng Đế giao phó. Ngài không cưới vợ, không sống một cuộc đời hạnh phúc. Ngài đạt tới đỉnh cao của sự hy sinh: Ngài bị đóng đinh trên thập giá". Và trong đoạn văn cuối: "Hài lòng nhắm mắt. Rồi một tiếng la chiến thắng vang lên: Thế là đã hoàn tất. Và nghe chừng Ngài nói: mọi việc đã bắt đầu". Mọi việc bắt đầu cho Giáo Hội, cho những người đang theo vết chân Ngài. Họ đang đi trên trần gian và sẽ còn bị gặp cám dỗ và thử thách. Họ được kêu mời trung thành như Ngài đã làm cho tới cái chết trên thập giá.

    3. Cuốn sách đáng khen hay đáng trách?

    Khi cuốn sách được xuất bản, cũng như được dựng thành phim đã gặp nhiều chống đối và lên án. Thật sự, có nhiều người chống đối nhưng cũng chưa hề đọc hay đi xem cuốn phim. Lược qua nội dung đưa chúng ta có một vài suy tư.

    Đức Giêsu trong tiểu thuyết Nikos Kazantzaki là Đức Giêsu viết theo sản phẩm trí tưởng tượng, câu chuyện hoàn toàn được hư cấu nên đã dễ gây tranh luận vì nó đã đụng chạm tới tín ngưỡng những người tin vào Đức Kitô. Đức Giêsu của Nikos Kazantzaki bị nhiều độc giả lẫn lộn với Đức Giêsu của Giáo Hội. Ý tưởng Đức Giêsu bị cám dỗ cũng đủ để gây nhiều ngạc nhiên, và đưa cơn cám dỗ cuối cùng qua cái nhìn dục tính thì càng làm cho nhiều anh chị em tín hữu bực bội. Họ cho Nikos Kazantzaki bôi nhọ hình ảnh Đức Giêsu, và Ngài không thể nào là đối tượng của những cái tưởng tượng thấp hèn như vậy. Nikos Kazantzaki bị coi như đã đụng chạm đến niềm tin Kitô giáo.

    Cuốn truyện Cơn cám dỗ cuối cùng của Đức Giêsu là một tiểu thuyết luận đề, đến từ óc tưởng tượng phong phú để nói lên một nhân sinh quan của tác giả về sự tranh đấu không ngừng giữa thiện và ác, giữa xác thịt với tinh thần. Trong Lời tựa, tác giả minh bạch: "Nỗi thống khổ chủ yếu của tôi và nguồn gốc mọi thú vui, buồn bực từ thuở thiếu thời là một chiến đấu không ngừng ác liệt giữa tinh thần và thể xác".

    Nikos Kazantzaki một cách nào đó đã trả lời câu hỏi của Đức Giêsu: "Các con bảo Thầy là ai?". Ông trả lời theo cái nhìn riêng biệt. Ông không là nhà thần học và không trả lời theo đúng Giáo lý Hội Thánh. Đức Giêsu của Nikos Kazantzaki không phải là Đức Giêsu của người Kitô hữu, nhưng là của riêng ông. Ông là nhà văn, dùng hư cấu nhắm thực hiện mục đích. Và Đức Giêsu qua nhãn quan Nikos Kazantzaki là một con người như hết thảy mọi người chúng ta. Cái nhìn này cũng chẳng có gì mới lạ, vì ngay trong Tin Mừng người dân làng Nazareth cũng chỉ coi Đức Giêsu là một con người: "Ông này chỉ là con bác thợ mộc". Các môn đệ khi thấy Đức Giêsu quát gió và sóng biển cũng tự nói: "Ông này là ai mà cả ma quỷ và sóng biển phải vâng phục?". Nên quan niệm của Nikos Kazantzaki coi Đức Giêsu là một con người như mọi người cũng không có gì quá đáng. Con người đó bị cám dỗ nhưng đã vươn lên chiến thắng, và trở nên mẫu gương cho con người. Đức Giêsu theo Nikos Kazantzaki luôn trung thành với Thiên Chúa Cha cho đến giây phút cuối cùng trên thập giá. Vì thế tác giả mới có thể nói qua trong cuốn sách: Lời tựa "Nếu chúng ta muốn theo Ngài, chúng ta phải hiểu sâu sắc về sự xung đột của Ngài. Chúng ta phải sống lại nỗi thống khổ của Ngài: sự chiến thắng của Ngài trên cạm bẫy tràn lan của trần gian, sự hy sinh của Ngài về những thú vui lớn nhỏ của con người, và sự đi lên của Ngài từ hy sinh đến hy sinh, từ kỳ công đến kỳ công, để đi đến đỉnh cao việc tử vì đạo là thập giá"… "cám dỗ chiến đấu đến cùng để làm Ngài lạc lối, và cám dỗ đã thất bại. Chúa Cứu Thế đã chết trên thập giá, và ngay lúc đó, sự chết đã bị chinh phục vĩnh viễn".

    Nikos Kazantzaki không viết tiểu sử Đức Giêsu, và cuốn truyện Cơn cám dỗ cuối cùng của Đức Giêsu cũng không phải là một tiểu sử nhưng nó được viết ra chuyển tải một chủ thuyết nhân bản. Tác giả lấy con người Đức Giêsu và coi Ngài như mẫu mực nhưng ông đã không theo hình ảnh Đức Giêsu chính thống như các sách Tin Mừng.

    Kết luận

    Chúng ta không biết Nikos Kazantzaki có lòng tin vào Đức Giêsu hay không, nhưng có điều chắc chắn ông là tiểu thuyết gia và đưa ra hình ảnh một Đức Giêsu được tiểu thuyết hóa để chuyển tải chủ thuyết của tác giả. Đề tài qua hư cấu ảo có hơi quá đáng vì nó dễ đụng chạm đến lòng tín ngưỡng của nhiều Kitô hữu.

    Đức Giêsu của Nikos Kazantzaki hẳn không phải là Đức Giêsu của lịch sử và của người tín hữu. Tác giả tôn trọng và coi Đức Giêsu như một con người vĩ đại vì đã trung thành cho đến chết, nhưng người tín hữu còn đi sâu hơn nữa vì Đức Giêsu là Thiên Chúa và là người thật. Ngài cũng bị cám dỗ như các tác giả Nhất Lãm ghi lại trong Tin Mừng. Có nhiều người đã sa ngã trong cám dỗ, nhưng Đức Giêsu đã chiến thắng để trở nên mẫu gương của lòng trung thành. Ngài kêu gọi chúng ta phải luôn sống trong cầu nguyện và tỉnh thức để khỏi sa vào cạm bẫy của cám dỗ.

    Đọc thêm »
RSS